/ Trợ giúp pháp lý
/ Sửa đổi quy định về mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Sửa đổi quy định về mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo quy định mới tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, mệnh giá trái phiếu đã được sửa đổi là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam. So với quy định trước đây, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tăng gấp 1.000 lần.

Ảnh minh họa.

Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, trước đây tại điểm a, khoản 4, Điều 6, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu đã quy định mệnh giá trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước được quy định là là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khoản 4, Điều 1, Nghị định 65/2022/NĐ-CP, mệnh giá trái phiếu đã được sửa đổi là là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam. So với quy định trước đây, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tăng gấp 1.000 lần.

Ngoài ra, Nghị định 65/2022/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số quy định đáng chú ý như:

- Bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu:

Đối với trái phiếu đã phát hành trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp thông qua và được những người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.

- Quy định rõ cách xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp:

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính/trình độ chuyên môn về chứng khoán. 

- Bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu:

Đại diện người sở hữu trái phiếu báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán định kỳ theo quý, năm và báo cáo khi phát hiện tổ chức phát hành vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.

Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14, Nghị định này khi cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu trái phiếu. Đồng thời, chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định. Trường hợp vi phạm pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP này có hiệu lực từ 16/9/2022.

HUY HOÀNG

Cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Lê Minh Hoàng