Ảnh minh họa.
Theo Bộ GD&ĐT, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục, theo đó có những quy định mới cần cập nhật bổ sung trong các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Sự phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn khá hạn chế, một số bộ, ngành địa phương vẫn có sự chồng chéo trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất và thiếu tính đồng bộ trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, cản trở các hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả hệ thống giáo dục và đào tạo.
Để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là cần thiết.
Dự thảo sửa quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT. Theo đó, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển giáo dục; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh là: Thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc tỉnh; các cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc các bộ, ngành khác; các cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đặt trụ sở trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện là: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Về trách nhiệm của Sở GD&ĐT, dự thảo nêu rõ, trực tiếp quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT; quyết định cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (trừ cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); cấp, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục sư phạm trình độ trung cấp theo quy định.
MINH HIỀN
Trách nhiệm Bộ KH&CN trong việc công bố thông tin không chính xác về kit test Covid-19