/ Pháp luật - Đầu tư
/ Tắc đường nhập khẩu thực phẩm chế biến từ nông sản vào thị trường Châu Âu, doanh nghiệp Việt kêu cứu!

Tắc đường nhập khẩu thực phẩm chế biến từ nông sản vào thị trường Châu Âu, doanh nghiệp Việt kêu cứu!

28/02/2022 06:45 |

(LSVN) - Mới đây, ngày 26/02/2022, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) đã gửi văn bản đến Bộ Công thương về việc gần 02 tháng qua không xuất khẩu được các sản phẩm như: Bánh tráng, bún, bánh hỏi, hủ tiếu, bánh phở... sang thị trường Châu Âu mặc dù lâu nay, Châu Âu là thị trường truyền thống và thế mạnh của công ty.

Công ty Thuận Phong đã gửi văn bản đến Bộ Công thương về việc gần 02 tháng qua không xuất khẩu được các sản phẩm.

Đây là việc báo động khẩn cấp, vì không chỉ Công ty Thuận Phong, mà hầu như các doanh nghiệp có hàng hóa, sản phẩm chế biến từ nông sản (chung nhóm hàng với “mì ăn liền”) khi xuất khẩu vào Châu Âu đều bị ách tắc.

Sự việc bắt đầu khi Ủy ban Châu Âu ra Quy định (EU) 2021/2246 ngày 15/12/2021 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp điều chỉnh việc nhập cảnh vào Liên minh Châu Âu một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba. Điều 20, Phụ lục II của Quy định (EU) 2021/2246 quy định: “Mì ăn liền” từ Việt Nam phải chịu sự kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu Ethylene Oxide.

Đương nhiên, những hàng hóa, sản phẩm khác của Việt Nam thuộc chung nhóm với “Mì ăn liền” như: Bánh tráng, bún, phở, hủ tiếu, bánh hỏi… cũng bị đưa vào diện kiểm soát ethylene oxide với tần suất kiểm tra nhận dạng và vật lý được đặt ở mức 20%.

Để nhập hàng hóa vào EU, Điều 29 của Quy định (EU) 2021/2246 ngày 15/12/2021 quy định: "Các lô hàng của các sản phẩm đó phải kèm theo 'Giấy chứng nhận' chính thức nói rằng tất cả các kết quả lấy mẫu và phân tích cho thấy tuân thủ Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa của lô hàng ethylene oxide của thực phẩm và thức ăn được liệt kê trong Phụ lục II để Thực hiện Quy định (EU) 2019/1793. Kết quả lấy mẫu và phân tích phải được đính kèm với Giấy chứng nhận đó".

Trong đơn gửi Bộ Công thương, Công ty Thuận Phong trình bày: “Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm bánh tráng, bánh phở, bún gạo, bánh hỏi “hiệu Ba cây tre” hàng đầu tại Việt Nam. Hơn 16 năm qua, sản phẩm của Thuận Phong được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Cộng Hòa Pháp, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Cộng Hòa Zéch, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Công ty Thuận Phong có hơn 2,000 công nhân, doanh số hàng tháng trên 04 triệu đô la Mỹ. Trong đó, thị trường Châu Âu chiếm gần 40%.

Theo đó, theo quy định của EU, để được thông quan vào thị trường Châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng mì ăn liền, hủ tiếu, bún, phở… xuất xứ Việt Nam cần xuất trình được 'Giấy chứng nhận' cho mỗi lô hàng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Giấy chứng nhận này phải được cấp theo Mẫu Phụ lục IV (Trang 34-41) đã đề cập trong Quy định của EU 2019/1793, Điều 11 (trang 9) và kèm theo bảng phân tích Ethylen Oxide của các mặt hàng mì ăn liền, hủ tiếu, bún, phở cho mỗi lô hàng mới được hải quan Châu Âu thông quan lô hàng, nếu không có 'Giấy chứng nhận' kèm theo lô hàng sẽ bị trả hàng về Việt Nam.

Hiện tại, vẫn chưa có cơ quan có thẩm quyền nào của Việt Nam cấp 'Giấy chứng nhận' này, Công ty chúng tôi phải dừng xuất khẩu bún, phở, bánh hỏi sang thị trường Châu Âu từ tháng 01/2021 và công nhân công ty chúng tôi phải nghỉ việc.

Các Doanh nghiệp đang rất cần sự khẩn trương của Bộ Công Thương phê duyệt việc cấp 'Giấy chứng nhận' trong thời gian sớm nhất để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty Thuận phong nói riêng có thể tiếp tục xuất khẩu mặt hàng mì ăn liền, hủ tiếu, bún, phở, bánh hỏi vào thị trường EU. Tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra trước nguy cơ thị phần mì ăn liền, hủ tiếu, bún, phở, bánh hỏi… của doanh nghiệp Việt ở Châu Âu sẽ bị rơi vào tay các đối thủ khác”.

Tìm hiểu việc này, được biết thời điểm Việt Nam đang vào cao điểm dịch Covid-19, Ủy Ban Châu Âu đã có thông báo ngày 20/3/2020 gửi cho Việt Nam về việc đề nghị tham gia sử dụng hệ thống TRACES-NT (https://webgate.ec.europa.eu:tracesnt/ecas-login) như một cách làm việc để ngăn chặn sự gián đoạn thương mại.

Đến ngày 30/3/2020, Ủy ban Châu Âu tiếp tục có Thông báo gửi cho Việt Nam xác định, Việt Nam nằm trong Phụ lục II để thực hiện Quy định (EU) 2019/1793 trong số các nước thứ ba nhập cảnh hàng hóa tâm và thức ăn không có nguồn gốc động vật vào Liên minh Châu Âu, các lô hàng  phải chịu các điều kiện nhập khẩu đặc biệt. Theo đó, mỗi lô hàng thực phẩm và thức ăn không có nguồn gốc từ động vật được liệt kê trong Phụ lục II thì phải kèm theo “Giấy chứng nhận chính thức” theo mẫu quy định tại Phụ lục IV. Đồng thời, lô hàng đó phải kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích được thực hiện trên lô hàng của các cơ quan có thẩm quyền của nước thứ ba theo Điều 10 của Quy định (EU) 2019/1793.

Để thực hiện các thủ tục trên một cách thuận lợi, nhanh chóng, Ủy ban Châu Âu cũng thông báo rằng, "Giấy chứng nhận chính thức" nói trên hiện có sẵn trong nền tảng trực tuyến TRACES-NT (https://webgate.ec.europa.eu:tracesnt/ecas-login). TRACES-NT cũng cho phép tải lên kết quả lấy mẫu và phân tích được đề cập ở trên khi hoàn thành chứng chỉ trực tuyến.

Để có quyền truy cập vào TRACES-NT, người dùng phải đăng ký thông qua dịch vụ xác thực người dùng của Ủy ban Châu Âu, còn được gọi là User đăng nhập EU. Hiện nay, có khoảng 42.000 người dùng được đăng ký trên toàn thế giới và được liên kết với các thành viên thương mại hoặc các cơ quan chức năng thuộc các nước trên thế giới.

Như vậy, để có thể đăng ký thành công là thành viên của hệ thống TRACES-NT, Chính phủ và các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Công thương đã thực hiện trách nhiệm của mình ra sao? Đã hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp làm như thế nào  mới có được “Giấy chứng nhận chính thức” từ cơ quan chức năng và phù hợp quy định Ủy ban Châu Âu để không bị ách tắc khi nhập cảnh hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc chế biến từ nông sản vào thị trường Châu Âu? Đây là vấn đề bức thiết cần được giải đáp khẩn cấp và cụ thể.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo lãnh đạo các cơ quan chức năng giải quyết khẩn cấp, dứt điểm vấn đề nêu trên. Nếu chậm, nguy cơ Việt Nam mất thị phần ưu thế về sản phẩm chế biến từ nông sản tại Châu Âu là chắc chắn xảy ra, hệ lụy thiệt hại kéo theo là rất lớn.

TRUNG DUY

Tài xế xe bán tải gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn tại Hà Nam đối diện với mức án nào?

Lê Minh Hoàng