Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Nhưng đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni phật tử gọi là ngày lễ Vu lan. Vậy lễ này và lễ cúng cô hồn có phải là một hay không? Và đâu là xuất xứ của hai tiếng "Vu lan"?.
Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu lan
Lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) bằng cách nghe lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được".
Phật lại dạy Mục Liên vào ngày rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sắm sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu mẹ ông khỏi địa ngục tăm tối.
Làm theo lời Phật, quả nhiên vong mẹ của Mục Liên được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu lan bồn pháp. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này. Từ đó, ngày rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu lan.
Vu lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ. Trong những ngày này, người dân đã được chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động. Dù già hay trẻ, trai hay gái khi dự lễ Vu lan đều thành kính và tràn ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ. Người không còn cha mẹ cài bông hoa trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành. Tuy nhiên, màu sắc hoa hồng chỉ là sự quy ước.
Nghi thức lễ Vu lan không nên tiếp cận theo góc độ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo mà mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu lan, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.
Vậy lễ này có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không? Câu trả lời là: Không! Ðây là 2 lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Xá tội vong nhân (ngày cúng cô hồn)
Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng 3 ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên".
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là "Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni". A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ...
Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa". Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn). Vì vậy, ngày nay mới có câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn nên người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.
Từ đó, ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng 7 âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
2 lễ này tuy nguồn gốc hoàn toàn khác nhau, nhưng cả 2 đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc.
PV