/ Luật sư - Bạn đọc
/ Quảng Bình: San lấp Dự án khai thác quỹ đất huyện Bố Trạch là một “mớ phong hóa hỗn độn” dưới nền móng

Quảng Bình: San lấp Dự án khai thác quỹ đất huyện Bố Trạch là một “mớ phong hóa hỗn độn” dưới nền móng

05/01/2021 17:56 |4 năm trước

LSVNO - Hàng nghìn mét khối bùn, bèo, đất yếu và cả gốc tre được trở thành một “mớ phong hóa hỗn độn” làm nền móng trong Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía tây cầu Hó...

LSVNO - Hàng nghìn mét khối bùn, bèo, đất yếu và cả gốc tre được trở thành một “mớ phong hóa hỗn độn” làm nền móng trong Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía tây cầu Hói (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), liệu có đảm bảo chất lượng nền móng công trình?

Ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 3498/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khai thác quỹ đất huyện Bố Trạch với mục đích tạo quỹ đất ở phân lô, đất biệt thự, đất công trình công cộng. Quyết định này giao cho UBND huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư trên tổng diện tích 4,9 ha nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển, cải tạo đô thị trên địa bàn.

Cùng một lúc cát, đất phong hóa đang được máy ủi xuống san lấp mặt bằng dự án.

Theo hồ sơ thiết kế, diện tích khu vực dự án chủ yếu là khu vực trồng lúa, ao hồ, sông ngòi kênh rạch và đất trồng cây hàng năm. Do vậy, khối lượng bóc phong hóa, đào hữu cơ, vét bùn rất lớn. Cụ thể, khối lượng bóc phong hóa, đào hữu cơ 3.904,57m3; vét bùn (đất yếu) dày 20-40cm là 11.345,82m3.

Để có vị trí đổ bỏ phong hóa đúng qui định, ngày 16/01/2019, Ban Quản lý các dự án huyện Bố Trạch (đại diện chủ đầu tư) xác định, đăng ký vị trí bãi đổ thải 1.000m2 tại Mò O, thôn 2, xã Trung Trạch.

Đất yếu, gốc tre, bèo và rác thải đang được máy ủi lấp kênh rạch để làm nền dự án.

Tuy nhiên, việc thực hiện thi công đào xúc hàng ngàn m3 bùn non đất yếu, phong hóa cần phải đổ bỏ, lại được đơn vị thi công biến thành một “mớ hỗn độn” làm nền móng của dự án.

Việc bóc phong hóa, vét bùn không được thực hiện, xe vận chuyển đất cát cùng một lúc đổ vào các ao hồ, kênh rạch có bèo, thậm chí còn có cả gốc tre. Điều đáng nói, theo qui trình thiết kế thi công vét bùn bóc toàn bộ lớp đất hữu cơ dày 0,2-0,4m sau đó được hoàn thổ đắp trả cát, đất cấp phối từng lớp dày 30cm tưới nước đầm chặt K85 đến cao độ thiết kế; nhưng việc đổ các loại đất lẫn đá phong hóa lên dự án lại không tuân thủ hồ sơ thiết kế?

Đất lẫn đá phong hóa được lấp vào dự án, liệu đó có phải đất K85 theo hồ sơ thiết kế ?

Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát thi công việc “làm ẩu” nêu trên ? Ông Bùi Quốc Thanh (Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Bố Trạch) cho biết: “Đơn vị được ký Hợp đồng chịu trách nhiệm giám sát thi công là Trung tâm Tư vấn khảo sát – Thiết kế huyện Bố Trạch; đơn vị thi công là Công ty TNHH Thắng Lợi”.

Người dân cùng cán bộ xã Trung Trạch dẫn PV đến xem địa điểm 1.000m2 làm bải đổ thải của dự án.

Để xác minh việc đơn vị thi công không nạo vét bóc bỏ, vận chuyển phong hóa đến đúng nơi quy định, ngày 30/5/2019, phóng viên Luật sư Việt Nam Online được người dân cùng cán bộ Xây dựng và Môi trường xã Trung Trạch dẫn đến nơi mà đại diện chủ đầu tư xin xác nhận 1.000m2 để làm bãi đổ hỗ hợp đất thải. Tại đây, hiện trạng đang là một vùng đất nguyên sinh, không có việc đổ bỏ đất phong hóa.

Như vậy, việc buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến thi công không đúng quy trình để hàng ngàn m3 đất thải phong hóa được trở thành một “mớ hỗn độn” làm nền móng trong Dự án khai thác quỹ đất huyện Bố Trạch.

Trong tương lai, liệu những người đầu tư có tránh khỏi rủi ro khi xây dựng công trình trên đất phân lô, đất biệt thự của dự án này?  

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 Đại Xuân