/ Trao đổi - Ý kiến
/ Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của hộ gia đình

Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của hộ gia đình

05/01/2021 17:52 |4 năm trước

LSVNO – Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm đã góp phần tạo lập một môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho quá trình xử lý, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Tu...

LSVNO – Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm đã góp phần tạo lập một môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho quá trình xử lý, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nhất là xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình.

Thực trạng pháp luật về xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại các tổ chức tín dụng

Trong thời gian qua, pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm đã góp phần tạo lập một môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều chỉnh của thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, nhất là xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình, cụ thể như sau:

Về trách nhiệm trả nợ của hộ gia đình

Điều 110 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.

Như vậy, khi hộ gia đình vay vốn của ngân hàng, trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và lãi mà các bên có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự.

Ảnh minh họa.

Trường hợp đã xử lý tài sản bảo đảm mà không đủ để trả hết nợ cho ngân hàng, thì hộ gia đình phải chịu trách nhiệm tiếp tục trả nợ bằng các tài sản chung của hộ. Nếu tài sản chung cũng không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hộ gia đình phải có trách nhiệm dùng tài sản chung của hộ trả nợ; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình.

Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình”. Vấn đề chưa rõ ở đây là, các thành viên hộ gia đình phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy định này là những thành viên đã đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự hay bao gồm cả những thành viên chưa đủ 15 tuổi, thành viên đã đủ 15 tuổi nhưng không có khả năng nhận thức hành vi, có tài sản chung với cả gia đình vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với cả hộ gia đình? Trường hợp, nếu tài sản chung của hộ gia đình không đủ trả nợ thì thành viên dưới 15 tuổi, thành viên bị mất năng lực hành vi dân sự có tài sản riêng, có phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ hay không?

Cũng theo quy định trên, trường hợp một hay nhiều thành viên của hộ gia đình không sinh hoạt (không ở cùng nhà) với các thành viên của hộ gia đình như sinh sống, làm việc tại một nơi khác nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, khi người đại diện của hộ gia đình xác lập quan hệ tín dụng (vay tiền) với ngân hàng thì liệu thành viên đang làm việc ở nơi khác đó có phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới với các thành viên khác hay không? Ngân hàng có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?

Các vấn đề nói trên pháp luật chưa quy định rõ, nên rất khó xác định trách nhiệm, khó vận dụng để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế tại các ngân hàng. Do đó, cần quy định tất cả các thành viên của hộ gia đình đã thành niên hay chưa thành niên đều phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản chung và tài sản riêng của mình theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp một hay nhiều thành viên khác của hộ gia đình sinh sống, làm việc ở địa phương khác (không cùng nhà) nhưng vẫn đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với các thành viên khác của hộ gia đình, chỉ những thành viên của hộ gia đình có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, mới tạo thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là hộ gia đình. Do đó, với những thành viên sinh sống, làm việc ở địa phương khác thì không thể có điều kiện tham gia, cùng đóng góp công sức vào hoạt động kinh tế chung (theo sự giải thích về hoạt động kinh tế chung đã phân tích ở trên). Mặt khác, thành viên đó lại làm việc trong lĩnh vực khác so với hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình (sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…). Vì vậy, không thể quy trách nhiệm trả nợ liên đới của thành viên hộ gia đình sinh sống, làm việc ở một địa phương khác với trách nhiệm liên đới của các thành viên khác của hộ gia đình. Theo quy định này, ngân hàng có quyền yêu cầu một (hoặc một số) thành viên của hộ gia đình thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của hộ gia đình.

Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho cả hộ gia đình thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của hộ với mình. Nhưng trong các quy định của Bộ luật Dân sự lại không có quy định về phần nghĩa vụ liên đới của các thành viên hộ gia đình. Do đó, khi một thành viên đã đứng ra thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho hộ gia đình bằng tài sản riêng thì được thực hiện quyền yêu cầu các thành viên khác phải trả tiền lại cho mình “theo phần nghĩa vụ liên đới” mà không xác định được phần nghĩa vụ liên đới của các thành viên còn lại như thế nào? Cho nên, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp giữa các thành viên trong hộ gia đình.

Có cần phải phân chia tài sản chung của hộ gia đình?

Vấn đề kê biên, xử lý tài sản của hộ gia đình đang thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thi hành án của thành viên hộ gia đình hiện nhiều vướng mắc. Trong một số trường hợp, có một hoặc một số thành viên trong hộ gia đình phải thi hành nghĩa vụ thanh toán theo bản án, quyết định của tòa án nhưng tài sản duy nhất của hộ gia đình đang thế chấp vay tiền tại ngân hàng (các thành viên trong hộ gia đình đều ký đồng ý thế chấp), tài sản đủ điều kiện cưỡng chế kê biên theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định rõ cần phân chia tài sản chung của hộ gia đình trước để kê biên hay cần phải cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự để trả cho ngân hàng trước rồi mới hướng dẫn đương sự phân chia số tiền còn lại để thi hành án. 

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, do tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với các thành viên hộ gia đình đang thế chấp hợp pháp cho ngân hàng nên cơ quan thi hành án dân sự cần làm việc với ngân hàng để kê biên tài sản khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự mà không cần hướng dẫn phân chia tài sản chung của hộ gia đình.

Khi thanh toán tiền thu được từ việc xử lý tài sản thì ưu tiên thanh toán cho ngân hàng nhận thế chấp theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Đối với số tiền còn lại thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (để trả cho các thành viên trong hộ gia đình), sau đó thu tiền của người phải thi hành án để thi hành án. 

Trường hợp ngân hàng nhận thế chấp tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu ngân hàng thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, giữ số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tài sản bảo đảm thi hành án là nơi ở duy nhất của hộ gia đình

Theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật. Quy định này, nhằm bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp, cũng như trật tự - an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định việc có trích tiền thuê nhà cho người thứ ba đã dùng nhà ở duy nhất của mình để bảo đảm cho người phải thi hành án vay tài sản đã được tòa án tuyên trong bản án, quyết định, nên không ít cơ quan thi hành án dân sự rơi vào tình trạng lúng túng, không biết áp dụng như thế nào.

Hiện có hai quan điểm đối với việc xử lý trước hay sau quyền lợi của bên thứ ba. Quan điểm thứ nhất cho rằng: chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản trước (kê biên toàn bộ tài sản chung) rồi mới thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án; hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu tòa án phân chia tài sản, việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của tòa án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu tòa án phân chia tài sản. Chấp hành viên chỉ ra quyết định kê biên tài sản của người phải thi hành án khi có quyết định của tòa án về việc xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.

Có thể thấy, mỗi một cách lý giải đều có những thuận lợi, vướng mắc riêng. Cụ thể, nếu chấp hành viên áp dụng việc kê biên tài sản trước thì sẽ bảo đảm được thứ tự ưu tiên thi hành thanh toán tiền thi hành án; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc thi hành án, tránh tình trạng các đương sự lợi dụng việc chưa xác định được phần tài sản của người phải thi hành trong khối tài sản chung để trốn tránh hoặc kéo dài thời gian thi hành án.

Tuy nhiên, để thực hiện việc kê biên tài sản chung trước rồi mới thông báo cho các đồng sở hữu thì chấp hành viên phải thu hồi quyết định kê biên đã ban hành và ra quyết định kê biên mới tương ứng với phần tài sản còn lại của người phải thi hành án. Việc phải thu hồi quyết định kê biên có thể sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại phức tạp hoặc thậm chí yêu cầu bồi thường.

Hơn nữa, tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định, phải xác định phần sở hữu của người phải thi hành án rồi mới thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo cách này thì quyền lợi của bên thứ ba không được bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán trong thi hành án dân sự lại không thực hiện được.

Phương thức xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình

Theo quy định pháp luật hiện hành, có 04 phương thức xử lý tài sản bảo đảm gồm: bán tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản bảo đảm, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, khởi kiện vụ án dân sự. Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của tòa án, trường hợp nào tổ chức tín dụng được chủ động bán tài sản bảo đảm. Nếu bên nhận tài sản là tổ chức tín dụng được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hay của các chủ thể khác.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của hộ gia đình

Trong năm 2017, với sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình theo hướng dẫn của Nghị quyết 42/2017 còn nhiều bất cập và khó thực thi do chưa có quy định chi tiết. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định bất hợp lý hiện nay về xử lý tài sản bảo đảm (ví dụ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, UBND nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, bổ sung về thủ tục giải chấp từng phần đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất…) thì cần quy định chi tiết trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình nói riêng và tài sản bảo đảm của chủ thể khác nói chung.

Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với trường hợp các đương sự này mất tích, bỏ trốn, vắng mặt tại nơi cư trú. Đồng thời ban hành các án lệ đối với các vụ án có liên quan đến việc tổ chức tín dụng khởi kiện khách hàng để áp dụng thống nhất trong công tác xét xử.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự. Trong đó cần tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành của các tổ chức tín dụng. Việc thi hành án có hiệu quả sẽ giúp làm giảm thực chất nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét quy định bổ sung thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng.

NCS.LS Phạm Văn Lưỡng