(LSO) – Chủ trì cuộc họp xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ tinh thần, dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn trong khi thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn.
Sáng 3/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương. Trong đó có 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn rất báo động thời gian qua được Thủ tướng chỉ đạo không phục hồi được thì giải thể phá sản.
LSO xin được điểm lại 12 dự án:
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng:
Dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ năm 2010 (hoàn thành quyết toán dự án năm 2013), hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án có lãi qua các năm đến năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2016, sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn làm phát sinh lỗ khá lớn là 420 tỉ đồng. Dù vậy, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, dự án đã từng bước khắc phục khó khăn, liên tục có lãi lần lượt là 14,8 tỉ đồng năm 2017; 195,5 tỉ đồng năm 2018 và 18,263 tỉ đồng trong quý I/2019.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai:
Đây là dự án đã được bàn giao tạm thời đưa vào vận hành thương mại từ tháng 7/2015. Từ khi đi vào vận hành sản xuất, do khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhà máy chỉ đạt công suất từ 50% - 65% (dưới mức công suất thiết kế). Đến cuối quý III/2016, nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất khoảng 4 tháng do lượng hàng tồn kho nhiều. Đến cuối quý IV/2016, nhà máy mới được vận hành chạy lại và chỉ đạt công suất khoảng 35% do tình trạng hoạt động của thiết bị nhà máy không ổn định sau thời gian bị dừng sản xuất. Năm 2017 nhà máy đat lỗ 530 tỉ đồng. Năm 2018 giảm lỗ so với cùng kỳ năm 2017 là 288,48 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019 lỗ gần 209 tỉ đồng, tăng hơn 94 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Vấn đề khó khăn của dự án này chủ yếu tập trung về tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC) chưa giải quyết được khiến dự án chưa thể quyết toán, hoàn thành.
Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình:
Tháng 5/2008, dự án được khởi công xây dựng, được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại vào 10/2012. Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ kéo dài trong thời gian qua. Lỗ lũy kế của nhà máy đến hết năm 2018 là hơn 4.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2.600 tỉ đồng.

Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc:
Dự án được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2015 đến nay. Không chỉ liên tục bị thua lỗ, trong quá trình hoạt động, hệ thống thiết bị của nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (khoảng 10 tỉ đồng/lần). Từ khi chính thức vận hành thương mại đến thời điểm ngày 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế của Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 1.716 tỉ đồng (cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỉ đồng). Sang năm 2017, nhà máy lỗ 611 tỉ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 440 tỉ đồng. Trong năm 2018, lỗ 340 tỉ đồng, giảm so với năm trước là 266,2 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất:
Dự án được khởi công vào năm 2009 và đi vào vận hành thương mại từ ngày 01/01/2014. với công suất thiết kế 100 triệu lít mỗi năm. Do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất, nhà máy thua lỗ buộc phải ngừng hoạt động từ tháng 4/2015. Sau ba năm nhà máy dừng hoạt động, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dung Quất (BF) ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) tái khởi động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất. Từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, nhà máy khởi động lại (hai đợt ngắn ngày) sản xuất khoảng 2.000 m3 Ethanol, sau đó ngừng hoạt động kéo dài đến nay.
Dự án Nhà máy gang thép Việt - Trung:
Dự án có tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng. Sau khi đi vào hoạt động tháng 12/2014, dự án đã lỗ 91 tỉ đồng. Tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài trong 2 năm tiếp theo khiến khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2016 lên đến 1.077 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, dự án đã “gượng dậy” và bắt đầu có lãi.
Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2:
Dự án được khởi công vào tháng 9/2017. Nhưng chỉ sau năm năm khởi công, dự án phải tạm dừng do rất nhiều lý do như tổng mức đầu tư tăng gấp đôi lên 8.100 tỉ đồng, thời gian thi công kéo dài,... Đến nay dự án vẫn "đắp chiều", tạm ngừng thi công trong thời gian dài.

Dự án Ethanol Phú Thọ:
khởi công thực hiện dự án từ tháng 6/2009 trên diện tích 50ha, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng. Đến nay, đã hơn 10 năm nhưng dự án này vẫn "đắp chiếu".
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất:
Được thành lập ngày 20/2/2006, đến tháng 6/2010, nhà máy được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) quản lý, khai thác. Do những khó khăn từ thời Vinashin, liên tục nhiều năm qua, nhà máy chìm trong thua lỗ, nợ lương. Gần đây tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn chưa xóa bỏ được khoản lỗ lũy kế lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Theo báo cáo mới nhất Chính phủ gửi Quốc hội, thì nhà máy có tổng nợ phải trả gẩn 7.000 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam:
Được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỉ đồng. Sau đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động. Theo báo cáo, tính đến nay, tổng nợ phải trả lên tới gần 3.000 tỉ đồng.
Dự án Ethanol Bình Phước:
Vận hành từ tháng 4/2012 và sản xuất được hơn 16.000m3 ethanol cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, đến tháng 4/2013, nhà máy phải dừng sản xuất do khó khăn đầu ra sản phẩm, dẫn đến sản xuất, kinh doanh thua lỗ và đến nay chưa vận hành lại.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ:
Dự án có tổng mức đầu tư 325 triệu USD (gần 7.000 tỉ đồng) và đi vào vận hành thương mại từ tháng 3/2014 với công suất 500 tấn xơ sợi/ngày. Từ khi chạy thử đến chính thức, nhà máy liên tục thua lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy thua lỗ hơn 1.472 tỉ đồng. Do lỗ nặng, đến ngày 17/9/2015 thì dừng hoạt động. Ngày 20/4/2018 nhà máy khởi động vận hành trở lại nhưng vẫn không thoạt khỏi cảnh thua lỗ. Tính đến ngày 31/8/2019 thì lỗ lũy kế của nhà máy là hơn 5.120 tỉ đồng, tăng lỗ 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng nợ phải trả là 7.806 tỉ đồng.
Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn”. Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu cho ý kiến thẳng thắn, trực tiếp về hướng xử lý từng dự án theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: có bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của người lao động, ổn định môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không? Dự án nào cần tiếp tục được tái cơ cấu để phục hồi, các biện pháp nào Nhà nước có thể hỗ trợ để có phương án khả thi? Dự án nào cần khẩn trương xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động, phá sản để không phát sinh thiệt hại cho Nhà nước?
Thanh Loan