/ Góc nhìn
/ Cần mạnh tay với hành vi “gian dối” trong giáo dục!

Cần mạnh tay với hành vi “gian dối” trong giáo dục!

05/01/2021 17:52 |4 năm trước

LSVNO - Trong những ngày qua, các cơ quan báo chí đã tốn không ít giấy mực để nói về hiện tượng điểm thi tốt nghiệp THPT có dấu hiệu “bất thường” tại tỉnh Hà Giang. Sau khi kết quả kiểm tra và n...

LSVNO - Trong những ngày qua, các cơ quan báo chí đã tốn không ít giấy mực để nói về hiện tượng điểm thi tốt nghiệp THPT có dấu hiệu “bất thường” tại tỉnh Hà Giang. Sau khi kết quả kiểm tra và nguyên nhân được công bố, dư luận hết sức bất ngờ vì chính người làm trong ngành giáo dục đã mắc căn bệnh “gian dối” để thực hiện mục đích.

Chắc hẳn khi nhắc đến tiêu cực trong thi cử những người luôn theo sát sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà vẫn chưa thể quên những hình ảnh được ghi lại trong đoạn clip diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, đoạn clip đã gây xôn xao trong dư luận suốt một thời gian dài. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang xử lý. Sau hơn hai tháng, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến vụ việc này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau mùa thi tốt nghiệp năm 2012, những dấu hiệu “gian dối’ trong thi cử tưởng chừng đã bị chấm dứt. Thế nhưng, tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2013, một clip phản ánh tiêu cực lại xuất hiện và lần này sự việc xảy ra tại hội đồng thi THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Và những ngày qua, hiện tượng điểm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Hà Giang có dấu hiệu “bất thường” đã được tìm ra nguyên nhân, cụ thể:

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 đã tổ chức buổi họp báo công bố nguyên nhân của hiện tượng điểm thi bất thường tại tỉnh Hà Giang. Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã công bố có hàng trăm bài thi tại tỉnh Hà Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã được nâng điểm. Người đã trực tiếp can thiệp để điểm thi tốt nghiệp của một số môn có điểm cao bất thường chính là ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang.

Đến thời điểm hiện tại thì mọi việc đã dần đi đến hồi kết, thế nhưng dư luận đang đặt ra dấu hỏi về động cơ của ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang trong việc “phù phép” nâng điểm cho thí sinh là gì? Tại sao ông Lương có thể dễ dàng “nhúng tay” để nâng điểm thi cho hàng trăm các bài thi mà không bị phát hiện? Và đằng sau ông Lương liệu có hay không sự tiếp tay của những cá nhân khác? Vụ việc có được làm sáng tỏ đến cùng để đưa sự việc ra ánh sáng hay chỉ dừng lại trong các vụ việc tương tự liên quan đến tiêu cực trong thi cử ở những mùa thi trước đó?...

Sau hàng loạt những kỷ luật, khiển trách…, hiện tượng “gian dối” trong thi cử vẫn âm thầm tồn tại trong mỗi kỳ thi. Thế nhưng, dường như ngành GD-ĐT không có một biện pháp xử lý dứt điểm, để rồi chính  một số thầy cô có biểu hiện “gian lận” trong thi cử đang tiếp tay cho một số học sinh ỉ lại và học cách “gian dối” từ chính người truyền tải kiến thức và đạo đức. Dư luận đang xoay quanh câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra sự việc này? Đây có phải là dấu hiệu tha hóa trong ngành giáo dục mà bấy lâu nay vẫn âm thầm tồn tại để rồi chất lượng ngày một đi xuống?...

Dư luận đang chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật trong vụ việc điểm thi tốt nghiệp THPT “bất thường” tại tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, là sự lên tiếng của người đứng đầu ngành giáo dục về vụ việc cũng như trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Phạm Sỹ

Căn cứ theo điều 75 Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định các hành vi nhà giáo không được làm: 1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; 2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học; 3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; 4. ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Cũng theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội giả mạo trong công tác như sau: “1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.