(LSVN) - Tốt nghiệp đại học và hành nghề Luật sư đến nay đã 45 năm có lẻ, Luật sư Trương Thị Hòa được nhiều người biết đến bởi sự giản dị, mộc mạc và sự chân tình của một người Luật sư qua mỗi sự việc.
Trăn trở cùng nghề
Với Luật sư Trương Thị Hòa, quan điểm hành nghề với bà luôn được nhất quán, đó khi xử lý bất kỳ một vụ việc dù lớn hay nhỏ thì điều đầu tiên đó là người Luật sư phải thể hiện được tình cảm chân thật của mình với người đối diện; cái đích hướng đến của người Luật sư đó là phải hàn gắn được những rạn nứt tình cảm, xử lý mọi sự việc sao cho có lý, có tình.
Luật sư Hòa cho rằng, thành công của người Luật sư không phải là việc “chiến thắng” qua những lần tranh tụng tại phiên tòa, mà bản thân Luật sư phải làm sao để điều quan trọng nhất là làm cho khách hàng quý trọng mình. Để làm được điều đó, người Luật sư phải đối xử một cách chân thành, phải thấy vấn đề của họ là vấn đề của mình.
Mới đây, bà được biết đến là một trong những Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong vụ án ly hôn nghìn tỉ giữa hai vợ chồng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Người ta thường thấy bà xuất hiện ở tòa trong trang phục áo dài truyền thống hay những bộ vest lịch lãm. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường bà vẫn thường xuất hiện tại những buổi tư vấn, trò chuyện với những người nghèo, hay những buổi làm công tác từ thiện…
Trong quá trình hành nghề, bà luôn tâm niệm mình thuộc về những người phụ nữ nghèo, là Luật sư hơn ai hết, bà thấu hiểu nỗi khổ sở, thiệt thòi của người dân, nhất là người lao động nghèo không nắm rõ luật. Đã biết bao nhiêu trường hợp phạm tội chỉ vì không ý thức được hành động của mình phạm luật, bà quan niệm tuyên truyền pháp luật giúp được người dân nhiều hơn là bắt tay vào từng sự vụ cụ thể khi đã xảy ra chuyện đáng tiếc. Đây cũng là mục đích sống và định hướng hành nghề của bà.
Trong mỗi sự vụ, bà không chỉ giúp đỡ tư vấn miễn phí về pháp luật, mà còn đặt bản thân mình đứng vào vị trí của mỗi người để thấu hiểu từng hoàn cảnh, từ đó tư vấn và giúp đỡ cho họ. Trong suốt 45 năm hành nghề, bà chưa bao giờ từ chối hỗ trợ pháp lý cho người nghèo.
Không dừng ở việc giúp đỡ những cá nhân khó khăn, mà những tổ chức còn khó khăn như những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Trong giai đoạn những năm 1990, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp làm ăn nhưng không rành luật, bà chính là người đăng đàn trò chuyện pháp luật, gỡ rối về thủ tục pháp lý để giúp họ bước vào con đường kinh doanh.
Trước thực trạng tỉ lệ các vụ án ly hôn ở nước ta rất cao, đối tượng chủ yếu là những đôi vợ chồng trẻ, sau mỗi vụ việc như vậy điều để lại trong bà những trăn trở, suy tư. Cái mà bà có thể làm được đó là giúp đỡ những người yếu thế có được cuộc sống tốt nhất có thể. Với Luật sư Hòa, trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn bà luôn cố gắng hết sức mình để có thể hàn gắn lại hạnh phúc bị rạn nứt. Mỗi vụ việc đều có những hoàn cảnh éo le khác nhau, với những vụ án mà hạnh phúc không thể níu kéo được nữa thì đó là nỗi day dứt luôn thường trực trong tâm trí bà.
Hết lòng với báo chí
Không chỉ “hết mình” với nghề, Luật sư Trương Thị Hòa còn được biết đến là người thường xuyên đăng đàn trước truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Với bà, việc đăng đàn không phải để đánh bóng tên tuổi mà bà xem đó là kênh thông tin để mình có thể góp một phần công sức nhỏ bé đưa pháp luật đến từng người lao động trong xã hội. Các chủ đề mà bà tham gia đều là những câu chuyện hết sức “đơn giản”, như quyền lợi của “con ngoài giá thú”, người đồng giới, vấn đề an sinh xã hội dành cho người nghèo… theo quy định của pháp luật.
Mới đây, bà cùng chồng mình là Luật sư Phan Đăng Thanh đã cho ra mắt Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam gồm hai tập, do NXB Tổng hợp TP. HCM phát hành. Bộ sách này là một trong 27 cuốn sách được giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020.
Bộ sách là công trình khoa học khảo cứu chuyên sâu dưới khía cạnh pháp quyền, cho thấy một cái nhìn toàn diện về lịch sử báo chí Việt Nam ở từng giai đoạn, kỹ thuật làm báo, tư tưởng, sự cống hiến của một số cơ quan báo chí và những cá nhân điển hình.
Bà cho rằng, viết về lịch sử báo chí Việt Nam có rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng đề cập nhưng vẫn có nhiều khía cạnh chưa rõ ràng, tùy theo cách tiếp cận của mỗi người. Với công trình của mình, bà đã chia từng giai đoạn báo chí theo các chính sách cai trị và những quy định pháp luật được ban hành trong lịch sử. Với cách tiếp cận này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vai trò của báo chí với xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.
Cuốn sách cũng cho thấy trong giai đoạn hiện nay, báo điện tử đã “khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày vào các tờ báo mạng điện tử đã chứng tỏ đây là một phương tiện thông tin đối nội, đối ngoại hiệu quả, thực hiện tốt chức năng thông tin, giáo dục, giải trí của mình”.
Cơ duyên đến với nghề Luật sư của bà cũng hết sức giản đơn, mộc mạc nhưng nó hàm chứa biết bao ý niệm cuộc đời, ghi dấu ấn sâu đậm trong trí óc của nữ sinh mới lớn. Hơn 45 năm trôi qua, Luật sư Trương Thị Hòa vẫn miệt mài trên đôi cánh của mình, chắp nối những hạnh phúc lứa đôi bị rạn vỡ, đem yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh... Và một điều chắc chắn rằng, đôi cánh vươn sải ngót gần 5 thập kỉ kia vẫn tiếp tục tung bay trên bầu trời pháp luật bởi đó là đam mê, hạnh phúc cuộc đời, chân lý sống và nó cũng giống như ý niệm vào nghề của bà - đơn giản nhưng sâu sắc.
THANH THANH