/ Pháp luật - Đời sống
/ Tái diễn thủ đoạn giả danh Công an gọi điện lừa đảo

Tái diễn thủ đoạn giả danh Công an gọi điện lừa đảo

18/06/2023 22:44 |

(LSVN) - Cơ quan Công an nhận định, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hiện nay vô cùng tinh vi, khi gọi video, những người này sử dụng khuôn mặt của người khác trong đồng phục Công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan Công an và có bảng tên, phù hiệu… Các đối tượng này thường giả mạo lực lượng Công an, gọi điện thông báo số điện thoại, số tài khoản của bị hại đang liên quan vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, rửa tiền. Khi bị hại cho biết mình không liên quan, hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các nghi phạm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói có thể thông tin cá nhân của bị hại bị lợi dụng, yêu cầu bị hại làm theo hướng dẫn.

Hình đối tượng dùng để gọi video zalo. Ảnh: VOV.

Theo trang thông tin điện tử Công an tỉnh Cao Bằng, ngày 17/6, anh V.Q. (cán bộ thuộc Công an tỉnh Cao Bằng) đang trong ca trực, thì nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là cán bộ phòng tiếp nhận, xử lý hồ sơ thuộc Công an TP. Hà Nội.

Chủ nhân số điện thoại trên thông báo với anh V.Q. rằng, số chứng minh nhân dân của anh Q. được sử dụng để đăng ký số điện thoại 0937.052.XXX vào ngày 09/3, tại MobiFone TP. Hà Nội. Ngoài ra, số điện thoại đứng tên anh Q. đã thực hiện nhiều cuộc gọi chào bán thiết bị vật tư y tế, sau đó yêu cầu nhiều người chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Tiếp đó, người này nói sẽ chuyển cuộc gọi đến Công an TP. Hà Nội, cho anh Q. nói chuyện với cán bộ thụ lý vụ việc. Sau khi chuyển máy, người đàn ông tự xưng là cán bộ thuộc Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội yêu cầu anh V.Q. đến Công an TP. Hà Nội để báo án và nếu anh Q. không đến được sẽ thực hiện cuộc gọi video để xác minh.

Sau đó, đầu dây bên kia yêu cầu anh Q. kết bạn và gọi video với cán bộ có tên Lê Hải Sơn. Khi gọi video, thấy anh V.Q. mặc quân phục Công an. Biết mình lừa đảo không thành, đối tượng liền hạ giọng xin cứu. 

Đối tượng cho biết, hiện đang bị nhốt ở Myanma và bị các đối tượng xấu ép uống thuốc, dí điện hàng ngày (khi không hoàn thành chỉ tiêu gọi điện lừa đảo về Việt Nam), nên đã không nhớ địa chỉ sinh sống ở tỉnh thành nào của Việt Nam.

Công an tỉnh Cao Bằng nhận định thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hiện nay vô cùng tinh vi, khi gọi video, những người này sử dụng khuôn mặt của người khác trong đồng phục Công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan Công an và có bảng tên, phù hiệu…

Các đối tượng này thường giả mạo lực lượng Công an, gọi điện thông báo số điện thoại, số tài khoản của bị hại đang liên quan vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, rửa tiền.

Khi bị hại cho biết mình không liên quan, hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các nghi phạm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói có thể thông tin cá nhân của bị hại bị lợi dụng, yêu cầu bị hại làm theo hướng dẫn.

Để chứng minh mình vô tội, bị hại đồng ý hợp tác điều tra và sau đó, các nghi phạm xấu yêu cầu bị hại chuyển tiền qua tài khoản để kiểm tra, nếu không liên quan, chúng sẽ chuyển trả lại. Họ còn đề nghị bị hại tuyệt đối giữ bí mật thông tin.

Ngay khi có được tiền do bị hại chuyển, chúng sẽ chiếm đoạt số tiền này và cắt đứt liên lạc.

Công an tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, người dân cần tăng cường cảnh giác trước các nghi phạm giả danh Công an gọi video nhằm mục đích lừa đảo, cũng như cần tuyên truyền cho người thân, bạn bè biết về thủ đoạn này và tránh mắc bẫy.

Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để có xác minh và ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

MINH TRẦN

Cảnh báo giả mạo giấy xác nhận của Bộ Y tế để bán thực phẩm chức năng trên mạng

Nguyễn Hoàng Lâm