Tài liệu mật của Mỹ tiết lộ Ai Cập đổi ý, chấp thuận sản xuất đạn pháo cho Ukraine

19/04/2023 05:21 | 1 năm trước

(LSVN) - Ai Cập đã lên kế hoạch chi tiết để xuất khẩu tên lửa theo đề nghị của Moscow, nhưng sau sự công kích ngoại giao từ Washington, Cairo sau đó đã chấp thuận sản xuất đạn pháo cho Kiev.

Ai Cập đã tạm dừng kế hoạch bí mật cung cấp tên lửa cho Nga vào tháng trước sau các cuộc trao đổi với giới chức cấp cao của Mỹ và thay vào đó quyết định sản xuất đạn pháo cho Ukraine, theo 5 tài liệu tình báo bị rò rỉ của Mỹ.

Tuần trước, Washington Post đưa tin về một tài liệu khác tiết lộ kế hoạch bí mật của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi vào tháng 2 nhằm cung cấp cho Nga 40.000 tên lửa Sakr-45 122mm, loại tên lửa có thể được sử dụng trong các bệ phóng đa nòng của Moscow. Tài liệu cho biết, Tổng thống El-Sisi đã chỉ thị cho cấp dưới giữ bí mật về kế hoạch “để tránh các vấn đề với phương Tây”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi trong cuộc gặp ngày 14/12/2022. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, các tài liệu mới mà Washington Post có được từ một kho tài liệu được cho là do một thành viên Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia đã đăng tải trên Discord cho thấy, vào đầu tháng 3, Tổng thống El-Sisi dường như đã rút lại kế hoạch cung cấp tên lửa cho Moscow.

Ai Cập mặc dù có mối quan hệ ngoại giao và quân sự lâu dài với Nga, nhưng cũng là đồng minh chính của Mỹ ở Trung Đông hàng chục năm qua. Cairo nhận hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Washington.

Gác lại kế hoạch xuất khẩu 40.000 tên lửa cho Nga

Một tài liệu mới bị rò rỉ cho thấy Ai Cập đã gác lại thỏa thuận với Moscow và chấp thuận bán đạn pháo 152mm và 155mm cho Mỹ để chuyển cho Ukraine.

Washington đang tìm thêm những người ủng hộ mới cho cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Tài liệu cho biết, Ai Cập dự định tận dụng khả năng sản xuất vũ khí cho Ukraine như một “đòn bẩy” để có được các thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ.

Kết hợp với nhau, các tài liệu đem lại cái nhìn sâu hơn về con đường ngoại giao thầm lặng nhưng nhiều rủi ro của chính quyền Biden với những nước đang tìm cách đứng ngoài cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Nga. Chúng cũng cho thấy sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã tạo cơ hội cho Ai Cập tìm kiếm những lợi thế mới khi mối quan hệ của Cairo với Washington ngày càng trở nên ít quan trọng hơn.

Các tài liệu không cho biết liệu Cairo sau đó có khôi phục lại kế hoạch cung cấp tên lửa cho Nga hay không, hay liệu Ai Cập đã cung cấp đạn dược cho Mỹ để chuyển cho Ukraine hay chưa.

Washington Post trước đó đưa tin, Ai Cập phủ nhận việc sản xuất tên lửa cho Nga và một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Ai Cập đã thực hiện kế hoạch này.

Liên quan tới các tài liệu mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập không phản hồi đề nghị bình luận.

Một đại sứ phương Tây tại Cairo cho biết vụ rò rỉ cho thấy Ai Cập “đánh giá thấp phản ứng của Mỹ về khả năng Cairo cung cấp vũ khí cho Nga và muốn tối đa hóa lợi ích từ cả hai bên”.

Các tài liệu mật – thu thập một phần từ tình báo tín hiệu, hoặc nghe lén – nêu chi tiết báo cáo tình báo từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3 và được dành cho các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc.

Báo cáo đầu tiên, đề ngày ngày 17/02, nói rằng Ai Cập đã thực hiện các bước vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 để bí mật cung cấp tên lửa cho Nga, bao gồm cả việc định giá và lên kế hoạch mua vật liệu để chế tạo tên lửa. Trong một cuộc trò chuyện vào ngày 31/01, Bộ trưởng phụ trách Sản xuất quốc phòng Mohamed Salah al-Din nói với Tổng thống El-Sisi rằng ông đã khuyến cáo với phía Nga rằng mức giá 1.100 USD mà hai bên đã nhất trí có thể tăng lên 1.500 USD do giá vật liệu có khả năng tăng. Ông al-Din cũng thông báo Nga sẵn sàng “mua bất cứ thứ gì”.

Tổng thống Ai Cập sau đó chỉ đạo ông Salah al-Din yêu cầu “thiết bị chuyên dụng” từ Nga để cải thiện độ chính xác của tên lửa hoặc chất lượng của các nhà máy Ai Cập sản xuất chúng.

Tài liệu thứ hai không ghi ngày tháng, có thể được thực hiện vào giữa tháng 2, nói rằng Ai Cập đã bắt đầu thiết lập một dây chuyền sản xuất tên lửa cho quân đội Nga. Các đại diện của Nga đã đề nghị mua 15.000 quả tên lửa với đơn giá 1.100 USD, nhưng Tổng thống El-Sisi đã chỉ đạo mua các vật liệu cần thiết để sản xuất tới 40.000 quả.

Giống như quân đội Ukraine, các lực lượng Nga đã sử dụng một lượng lớn vũ khí trong cuộc xung đột kéo dài và cần nguồn bổ sung.

Lý do Ai Cập thay đổi ý định

Tổng thống Ai Cập dường như đã dừng kế hoạch xuất khẩu tên lửa cho Nga sau chuyến thăm của các quan chức Mỹ, bao gồm Brett McGurk và Barbara Leaf, các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ về Trung Đông vào cuối tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Cairo vào đầu tháng 3.

Thời điểm đó, Wall Street Journal đưa tin ông Austin đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Ai Cập cung cấp đạn pháo cho Ukraine trong cuộc đàm phán ở Cairo nhưng không đạt được thỏa thuận rõ ràng.

Tuy nhiên, một tài liệu tình báo đề ngày 09/3, một ngày sau chuyến thăm của ông Austin, nói rằng Ai Cập đã chấp thuận bán đạn pháo 152mm và 155mm cho Mỹ để chuyển cho Ukraine.

Tài liệu đó, nói rằng Ai Cập đã lên kế hoạch tận dụng yêu cầu của Mỹ về đạn dược để thúc đẩy Washington thực hiện một thỏa thuận viện trợ quân sự dài hạn và để có được các thiết bị cụ thể của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và hệ thống phòng không Patriot. Theo tài liệu, Ai Cập sẽ đề nghị Mỹ giúp thiết lập dây chuyền sản xuất đạn pháp, thỏa thuận cấp phép (licensing agreement) và nguyên liệu thô.

Chuyến thăm của ông Austin là chủ đề của một bản tài liệu khác, dường như từ giữa tháng 3, tóm tắt các cuộc trò chuyện giữa ông El-Sisi và 2 quan chức cấp cao vào ngày 08/3, ngày Tổng thống Ai Cập và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hội đàm ở Cairo.

Trong các cuộc trò chuyện ngày 8/3, Tổng thống El-Sisi dường như nghi ngờ khả năng các cuộc thảo luận của ông đang bị theo dõi và chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Zaki “‘hãy thận trọng’ khi thảo luận về các yêu cầu quân sự từ các quốc gia khác, như Nga”. Ông và Zaki đã đề cập đến “các hợp đồng quân sự” với Nga nhưng không đề cập rõ ràng đến kế hoạch sản xuất tên lửa, bản tài liệu cho hay.

Ông Zaki nói với Tổng thống El-Sisi rằng kế hoạch cử một phái đoàn Ai Cập tới Nga vào ngày 12 hoặc 13/3, thời điểm họ có thể sẽ ký hợp đồng, đã bị hoãn lại “cho đến khi tình hình rõ ràng hơn” sau chuyến thăm của ông Austin.

Tổng thống El-Sisi nói “cần thận trọng để tránh Ai Cập gặp rắc rối không cần thiết”. Ông Zaki đáp lại rằng “chúng ta chưa thực hiện bất kỳ biện pháp nào” và Ai Cập cũng chưa ký bất kỳ hợp đồng nào.

Tìm cách cân bằng giữa Nga và Mỹ

Cairo gần đây đã bày tỏ sự thất vọng về mối quan hệ với Washington. Tài liệu tóm tắt các cuộc trò chuyện ngày 8/3 của ông El-Sisi cho thấy Tổng thống Ai Cập đánh giá “Mỹ không có bất cứ điều gì mới cho Ai Cập và cũng không cần bất cứ điều gì từ Ai Cập, và Mỹ chỉ quan tâm đến việc xác nhận quan hệ song phương”.

“Theo ông El-Sisi, Mỹ tin rằng Israel đang làm tốt, các nước vùng Vịnh vẫn ổn và châu Âu đang ủng hộ Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, do đó, vai trò của Ai Cập chỉ là thứ yếu”, tài liệu cho biết.

Thông tin tình báo cũng cung cấp thêm thông tin về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc của Ai Cập với Nga và cách nước này có thể đã hỗ trợ các lực lượng Moscow trên chiến trường.

Một tài liệu bổ sung, không ghi ngày tháng lưu ý rằng hình ảnh và tình báo điện tử của Mỹ đã xác định được 4 hệ thống tên lửa đất đối không SA-23 của Nga ở Ukraine mà “rất có thể” trước đó được dự định xuất khẩu sang Ai Cập. Cairo đã ký hợp đồng với Moscow mua 4 khẩu đội SA-23 vào năm 2017 và 2 khẩu đội đầu tiên đã được chuyển giao cho Ai Cập vào năm 2020 và 2021. Tài liệu không nêu rõ liệu Ai Cập có trả lại 2 hệ thống đó cho Nga để sử dụng ở Ukraine hay không.

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đầu năm 2022, Ai Cập bày tỏ thái độ trung lập và vẫn tiếp đón các quan chức đến thăm từ cả Nga và Mỹ.

Nhưng với tình trạng thiếu ngũ cốc trên thế giới do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, Ai Cập phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp lúa mỳ từ Nga để ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội do giá lương thực tăng cao và khủng hoảng kinh tế. Nga cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập vào năm 2022 và gần đây đã ký một thỏa thuận đường sắt ở Ai Cập.

Một cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, từng làm việc về Trung Đông nói rằng việc Ai Cập sử dụng Nga như một “hàng rào” để thúc đẩy Washington là điều hoàn toàn bình thường. Cuộc đảo chính quân sự năm 2013 đã khiến Mỹ xem xét lại viện trợ cho Ai Cập và Cairo nhận ra rằng họ có thể “quay sang Nga”.

Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, sự cân bằng của Ai Cập phức tạp hơn nhiều.

“Lý tưởng nhất không phải là một trong hai hoặc mà là xoa dịu cả hai bên. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là họ không thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Nga, vì vậy họ không thể hợp tác tích cực với Mỹ trong việc cung cấp (đạn dược) cho Ukraine”, Đại sứ phương Tây tại Cairo nhận định.

HOÀNG PHẠM/VOV

Thêm 9 bang của Mỹ khởi kiện Google vi phạm luật chống độc quyền