/ Tư vấn
/ Tài sản mua vào ngày có quyết định ly hôn có là tài sản riêng?

Tài sản mua vào ngày có quyết định ly hôn có là tài sản riêng?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Tôi có ký hợp đồng mua căn hộ vào ngày 30/7 cũng chính là ngày có quyết định ly hôn của Tòa án, trong quyết định ly hôn có ghi rõ là hai bên không có nợ chung và tài sản chung, vậy căn hộ này có được xem như là tài sản sau hôn nhân và tôi không cần cam kết tài sản riêng của chồng cũ vẫn có thể sang nhượng hoặc đăng ký chủ quyền do tôi đứng tên vì quyết định ly hôn đã có hiệu lực ngay ngày ban hành cũng chính là ngày tôi ký hợp đồng mua căn hộ này? Bạn đọc M.H hỏi.

Ảnh minh họa.

Trong trường hợp của bạn là thuận tình ly hôn theo Điều 212, Luật Tố tụng dân sự 2015 về "Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự", cụ thể:

Điều 212, Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về "Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự" như sau:
1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

Cùng với đó, Khoản 1 Điều 213, Luật Tố tụng dân sự 2015 về "Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự", cũng quy định, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 213, Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về "Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự" như sau:
1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Do đó sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà cả 2 không thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán sẽ được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận ly hôn và sẽ có hiệu lực ngay.

Nếu trường hợp nhà mua sau khi có quyết định thuận tình ly hôn thì ngôi nhà có thể là tài sản riêng của bạn. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các Điều 27, 37 và 45 của Luật hôn nhân gia đình và các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Điều 27, Luật hôn nhân và gia đình quy định về "Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng" như sau:
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Điều 37, Luật hôn nhân và gia đình quy định về "Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng" như sau:
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Điều 45, Luật hôn nhân gia đình quy định về "Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng" như sau:
Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

/gay-tai-nan-giao-thong-trong-truong-hop-nao-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su.html