/ Tin thế giới
/ Tại sao cựu Tổng thống Sudan có thể bị kết án tử hình

Tại sao cựu Tổng thống Sudan có thể bị kết án tử hình

05/01/2021 18:07 |

(LSO) - Tổng thống bị phế truất của Sudan, ông Omar al-Bashir đối diện với án tử hình vì cuộc đảo chính năm 1989.

Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ảnh: jurist.

Thứ ba ngày 21/7/2020 vừa qua, cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ra hầu tòa vì cuộc đảo chính quân sự đưa ông lên vị trí lãnh đạo đất nước cách đây hơn ba mươi năm. Ông Bashir đã bị phế truất, trở thành cựu tổng thống vào năm 2019. Nếu bị kết tội liên quan cuộc đảo chính năm 1989 lật đổ Chính phủ được bầu chọn dân chủ của Thủ tướng khi đó là Sadek al-Mahdi, cựu tổng thống năm nay 76 tuổi có thể bị kết án tử hình.

Cùng ra tòa với ông Bashir tại phiên tòa ở Khartoum là 27 cựu lãnh đạo và quan chức quân sự, trong đó có cả hai cựu Phó tổng thống dưới thời ông Bashir là Ali Osman Taha và Bakri Hassan Saleh cùng một số cựu Bộ trưởng.

Sau khi mở phiên tòa, các thủ tục tố tụng đã được hoãn lại cho đến ngày 11 tháng 8 năm nay.

Các cáo buộc chống lại ông Bashir bao gồm phá hoại hiến pháp, vi phạm Đạo luật vũ trang và kích động cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ. Các nhà cựu lãnh đạo và quan chức quân sự phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính.

Ông Al-Bashir bị giam giữ từ tháng 4/2019, khi quân đội Sudan lật đổ ông sau nhiều tháng người dân biểu tình trên toàn đất nước. Ông đã bị buộc tội rửa tiền và tham nhũng, bị tịch thu hàng triệu đô la Mỹ, euro, bảng Sudan và cũng đã bị tòa án Sudan kết án 2 năm tù.

Ông Bashir sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân tại Vương quốc Ai Cập và Sudan dưới thời cai trị của đế quốc Anh. Ông tốt nghiệp học viện quân sự quốc gia danh giá ở Cairo, sau đó là Khartoum năm 1966.

Trong cuộc chiến tranh Arab-Israel tháng 10/1973, ông Bashir phục vụ cho quân đội Ai Cập. Sau đó ông Bashir được cử ra nước ngoài làm tùy viên quân sự. Tiếp đó, ông Bashir trở về tham gia cuộc nội chiến tại Nam Sudan chống lại lực lượng mang tên quân đội giải phóng nhân dân Sudan.

Năm 1989, ông Bashir dẫn đầu nhóm các tướng lĩnh quân đội tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Thủ tướng khi đó Sadiq al-Mahdi. Thời điểm đó ông Bashir xuất hiện tại cuộc tuần hành với một tay lăm lăm khẩu AK-47, tay còn lại là cuốn kinh Qur’an và cam kết “thanh trừng kẻ thù của nhân dân và lực lượng vũ trang”.

Sudan nhanh chóng trở thành trung tâm “cách mạng” và cấp tiến đạo Hồi. Sudan còn tổ chức nhiều hội nghị bài phương Tây với sự góp mặt của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden. Điều này khiến nhiều quốc gia phương Tây xa lánh Sudan.

Tuy nhiên, ông Bashir cũng thể hiện những hành xử khác biệt khi tạo điều kiện cho cơ quan mật vụ Pháp bắt tên khủng bố Carlos “chó rừng” trong năm 1994, và Bin Laden bị buộc phải rời Sudan 2 năm sau đó.

Kinh tế tại Sudan bình ổn do dầu được giá, nhưng ông Bashir vẫn phải chịu nhiều áp lực từ quốc tế để chấm dứt cuộc nội chiến ở miền Nam. Sau nhiều cuộc đàm phán, Tổng thống Bashir và lãnh đạo phe nổi dậy John Garang ký hiệp định hòa bình tại Nairobi vào tháng 01/2005. Theo đó, Nam Sudan được tự trị và trưng cầu ý dân về độc lập trong 6 năm.

Tuy nhiên Sudan vẫn không yên ả khi lại xảy ra xung đột ở Darfur, phía Tây quốc gia này. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 200.000 - 400.000 người thiệt mạng trong giao tranh, bên cạnh đó là 2,7 triệu người mất nhà cửa.

Năm 2009, tòa án hình sự quốc tế buộc tội Tổng thống Bashir diệt chủng, tội ác chống lại loài người và chịu trách nhiệm về những hoạt động của đội quân Janjaweed. Tổng thống Bashir hoàn toàn phủ nhận cáo buộc này.

Hai năm sau, Nam Sudan thành lập sau cuộc trưng cầu ý dân và quản lý 75% tài nguyên dầu mỏ trên lãnh thổ. Khi này, nền kinh tế Sudan vốn chịu nhiều giới hạn do lệnh trừng phạt hơn một thập niên của Mỹ đã bị tác động mạnh.

Quân đội lật đổ ông Omar al-Bashir năm 2019. Ảnh: Middle East Monitor.

Đây có thể là bước khởi đầu cho sự kết thúc đối với ông Bashir. Nhà lãnh đạo Sudan đã cố gắng xử lý khủng hoảng kinh tế bằng việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao nồng ấm với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh. Mặc dù điều này giúp nới lỏng lệnh trừng phạt cũng như thu tiền về cho nền kinh tế nhưng không thể giải quyết triệt để khủng hoảng.

Kể từ năm 2012, đã có nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị tại Sudan cũng như xảy ra bất đồng trong nội bộ, đặc biệt là giới quân sự. Đây chính là lực lượng buộc Tổng thống Bashir phải rời nhiệm sở sau 30 năm.

LÊ HÙNG

/truy-to-vo-chong-luat-su-chia-sung-vao-doan-bieu-tinh-tai-my.html