Ảnh minh hoạ.
Chiều ngày 27/3, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Đại biểu Ma Thị Thúy (Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác, thu nhập ổn định thường xuyên là không phù hợp, vì đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ.
Trên thực tế, các đối tượng có thu nhập ổn định như lao động công nghệ (grap, shipper, bán hàng online...) chiếm số lượng lao động lớn, thu nhập ổn định, thậm trí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Do đó, Đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết, có lộ trình cụ thể áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao đông công nghệ này vào năm 2026.
Về thời điểm thông qua dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi (kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024) hay sau khi (kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024) thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2024. Các đại biểu cho rằng, cải cách tiền lương là chính sách tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhiều lao động toàn xã hội, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh nếu có, phù hợp với thực tiễn.
Khi chính sách tiền lương đi vào ổn định thì cơ sở quy định các chính sách về bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật đã rà soát, sửa đổi ngay.
MINH ANH