/ Luật sư trực ban
/ Tài xế mắc bệnh tâm thần gây tai nạn chết người, xử lý thế nào?

Tài xế mắc bệnh tâm thần gây tai nạn chết người, xử lý thế nào?

07/01/2022 16:00 |

(LSVN) - Trong trường hợp người lái xe này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hậu quả làm chết 2 người và bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, tài xế có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 - 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015. Còn trong trường hợp mắc bệnh tâm thần đến mức không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai giao phương tiện cho người này điều khiển.

CSGT truy bắt Nguyễn Văn Thâu sau khi gây tai nạn bỏ chạy. Ảnh: NLĐ.

Vừa qua, ngày 30/12, tại Bình Định đã xảy ra vụ việc tài xế xe đầu kéo gây tại nạn liên hoàn làm 2 người chết và 17 người bị thương.

Được biết, tài xế xe đầu kéo tên Nguyễn Văn Thâu (sinh năm 1985, trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) có hồ sơ bệnh án tâm thần từ năm 2006 và nhận thuốc điều trị hàng tháng từ đó đến nay. Tuy nhiên, các cơ sở khám sức khỏe cho tài xế này thi nâng hạng và cấp đổi giấy phép lái xe lại hoàn toàn không hay biết.

Cụ thể, tiếp cận hồ sơ bệnh án của tài xế Nguyễn Văn Thâu được lập năm 2006 do Trạm Y tế xã Nhơn Phúc cung cấp cho thấy, Thâu bị mắc các triệu chứng, hội chứng tâm thần: rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ; theo chẩn đoán xác định người tài xế này bị: Tâm thần phân liệt thể không biệt định, mã bệnh là: F20.3.

Bác sỹ Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Phúc cho biết, Thâu là bệnh nhân tâm thần được quản lý tại cộng đồng và nhận thuốc điều trị hằng tháng từ năm 2006 đến nay.

Ngày nhận thuốc gần đây nhất là ngày 12/12/2021. Thâu cũng là đối tượng được nhận trợ cấp bệnh nhân tâm thần hằng tháng từ năm 2006 đến nay với mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, qua hai lần đi khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe vào năm 2017 và đổi giấy phép lái xe vào năm 2021, các cơ sở khám bệnh cho Nguyễn Văn Thâu đều xác nhận: Thâu đảm bảo sức khỏe để lái xe ô tô hạng FC (điều khiển ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc) và E (điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi).

Siết chặt quy trình

Liên quan đến vụ việc trên, thông tin báo chí cho biết, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (nơi cấp Giấy khám sức khỏe để đổi giấy phép lái xe cho tài xế Nguyễn Văn Thâu) đã khẳng định thời điểm kiểm tra sức khỏe để đổi giấy phép lái xe, Nguyễn Văn Thâu hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong trường hợp lái xe mắc bệnh tâm thần thật mà bên cấp Giấy khám sức khỏe và đơn vị tổ chức sát hạch vẫn cấp Giấy phép lái xe cho tài xế này sẽ phải liên đới trách nhiệm vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để sai sót không phát hiện ra tài xế này bị bệnh tâm thần phân liệt, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn dẫn tới không phát hiện ra tình trạng bệnh tâm thần của tài xế Thâu.

Trường hợp tại thời điểm cấp giấy phép lái xe người này mắc bệnh tâm thần thì giấy phép lái xe này là cấp sai quy định, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, theo đó sẽ bị thu hồi, hủy bỏ giấy phép lái xe đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép.

Những cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; đối với người lao động không phải cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ bị xem xét kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (2019).

Luật sư cũng cho biết, một vấn đề đặt ra là không phải bất cứ bệnh nhân tâm thần nào sau khi bị kết luận tâm thần thì tình trạng bệnh không có diễn biến, mà theo thời gian tình trạng bệnh có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn, thậm chí đã khỏi. Theo đó, để có kết luận này phải có sự thăm khám thực tế của cơ quan y tế chuyên môn để đánh giá đúng tình trạng bệnh hiện tại của tài xế này, tránh trường hợp tài xế đã khỏi bệnh nhưng vẫn lợi dụng Bệnh án Tâm thần để trốn tránh trách nhiệm pháp lý, trốn tránh nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, theo Luật sư, qua sự việc này cơ quan chức năng cấp trên cũng cần rà soát lại 2 quy trình, một là quy trình khám bệnh cấp Giấy khám sức khỏe cho lái xe, và hai là quy trình tổ chức sát hạch và cấp Giấy phép lái xe.

Nếu do cơ chế khách quan việc thăm khám sức khỏe và tổ chức sát hạch không đả động sâu đến “tình trạng sức khỏe tâm thần” thì cần phải sửa đổi, bổ sung và chấn chỉnh ngay.

“Theo tôi hiện nay việc khám sức khỏe thời gian khám khá ngắn, nội dung khám không sâu (nhất là khám về thần kinh và tâm thần cần có thời gian dài để kết luận) thì khó có thể phát hiện ra được những dấu hiệu bệnh hoặc bệnh đòi hỏi phải thời gian để thăm khám, ngoài ra khi tổ chức sát hạch cần minh bạch để tránh tiêu cực trong việc tổ chức thi lý thuyết, thực hành (vì một người tâm thần phân liệt có vấn đề về nhận thức không lành lặn như người bình thường thì sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các phần thi này nếu ở giai đoạn kiểm tra sức khỏe chưa phát hiện ra)”, Luật sư Hà Thị Khuyên nói.

Ngoài ra, Luật sư cũng cho biết, nếu qua điều tra cho thấy trường hợp tài xế Thâu chỉ mua giấy khám sức khỏe mà không tiến hành khám bệnh thực tế, hoặc việc cấp giấy phép lái xe cho tài xế thâu có tiêu cực về mặt quy trình thì ngoài bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, những cán bộ này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đối với đơn vị khám sức khỏe và cấp giấy phép nếu như có hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xử lý tài xế mắc bệnh tâm thần thế nào?

Đối với trường hợp người tài xế lái xe mắc bệnh tâm thần và gây tai nạn chết người, Luật sư cho biết, Cơ quan Điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của tài xế này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế có biểu hiện tâm thần, không tỉnh táo minh mẫn sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm gây tai nạn giao thông.

Ngoài ra, trường hợp người này có hồ sơ bệnh án tâm thần cũng làm rõ hồ sơ bệnh án đó, giấy chứng nhận tâm thần là thật hay giả, mức độ bệnh lý đến đâu, thời gian điều trị và hiệu quả điều trị như thế nào làm căn cứ giải quyết vụ án.

Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ giấy phép lái xe được cấp từ khi nào; Thời điểm cấp giấy phép lái xe, tình trạng sức khỏe của người này ra sao, có đủ điều kiện sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hay không; Giấy phép lái xe có phù hợp và do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế cũng như của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong trường hợp người lái xe này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hậu quả làm chết 2 người và bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, tài xế có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 - 10 năm tù về tội “Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp người này mắc bệnh tâm thần đến mức không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai giao phương tiện cho người này điều khiển. Việc khám chữa điều trị bệnh tâm thần của người này được thực hiện như thế nào để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự của tài xế bồi thường cho phía các gia đình có người bị tai nạn được thực hiện như sau:

Trước hết mức bồi thường khi gây tai nạn chết người do 02 bên thỏa thuận. Theo Luật sư, đây cũng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Pháp luật tôn trọng mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội...

Tuy nhiên, nếu bên gây tai nạn và gia đình nạn nhân không thể thỏa thuận được với nhau mức bồi thường thì Điều 591 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể các căn cứ để xác định mức bồi thường.

Cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định;

- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cũng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

“Thời gian gần đây rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, để lại hậu quả thảm khốc, theo tôi cơ quan chức cấp trên năng cần siết chặt quy trình khám bệnh xin cấp giấy phép lái xe và đối với hoạt động tổ chức sát hạch cấp phép lái xe đây là hai khâu quan trọng nhất có thể phòng ngừa và làm giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra như vụ việc nêu trên. Ứng dụng các thiết bị công nghệ vào hoạt động khám bệnh cấp Giấy khám sức khỏe cho lái xe và hoạt động sát hạch cấp giấy phép lái xe để sàng lọc những lái xe không đạt yêu cầu. Có chế tài xử phạt đối với lái xe khai báo gian dối về tiền sử bệnh, nhất là những bệnh không được hành nghề lái xe nhưng vẫn cố tình hành nghề đưa đến nguy cơ hậu quả tai nạn giao thông”, Luật sư bày tỏ quan điểm.

VŨ QUÝ

Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bị khởi tố với nhiều tội danh ông Lê Tùng Vân đối diện với mức án nào?

Lê Minh Hoàng