Quyết định hoãn phiên tòa của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Công ty TNHH Hãng luật Hưng Yên (tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy định mới nhất của UBND TP. Hồ Chí Minh, Công văn số 2976/UBND-VX ngày 21/8/2021 về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện đợt giãn cách xã hội (từ ngày 16/8 đến ngày 15/9) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép ngành nghề công chứng vào nhóm thiết yếu được phép lưu thông còn nghề Luật sư thì không được phép. Trong khi các vụ án vẫn khởi tố, bắt tạm giam mà chưa có chính sách để Luật sư tham gia tố tụng trong thời gian giãn cách xã hội, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng với điều kiện: “Bảo đảm phòng dịch theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP. Hồ Chí Minh”.
Ngược lại, tại TP. Cần Thơ, địa phương này cho phép các Luật sư và nhân viên thuộc tổ chức hành nghề Luật sư được phép lưu thông trên địa bàn thành phố nhưng phải có giấy đi đường do Trưởng tổ chức hành nghề Luật sư cấp.
Một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho biết, do điều kiện phải tiến hành hoạt động điều tra xác minh trong vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” lớn nhất miền Tây, vụ Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường), cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang phải triệu tập những người có liên quan đến vụ án để tiến hành lấy lời khai xác minh vào ngày 14/8/2021. Việc lấy lời khai phải có mặt Luật sư bảo vệ quyền lợi nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang có điện thoại để thông báo cho Luật sư có mặt.
Thực hiện yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra, Luật sư đã tiến hành test nhanh Covid-19 tại một bệnh viện Quốc tế tại Cần Thơ vào sáng ngày 14/8/2021 để đến TP. Long Xyên, tỉnh An Giang dự lấy lời khai. Tuy nhiên, khi đến chốt phòng dịch của tỉnh An Giang, nằm giữa địa bàn TP. Cần Thơ và TP. Long Xuyên, các lực lượng chức năng đã không chấp nhận kết quả test nhanh của Bệnh viện Quốc tế tại Cần Thơ và yêu cầu phải xét nghiệm lại với giá 240.000 đồng/1 người. Thời gian để chờ lấy kết quả xét nghiệm từ 30 phút đến 1 giờ. Vụ việc sau đó đã phải hoãn việc lấy lời khai đương sự.
Trong một diễn biến khác, giữa tâm dịch thì Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng triệu tập bị cáo, bị hại, người có quyền nghĩa vụ liên quan, Luật sư cùng các nhân chứng để tiến hành xét xử vụ án 'Bồi thường oan sai' ra xét xử sơ thẩm lần thứ 3. Vụ án sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lần 3 vào các ngày 11 và 12/8/2021. Phiên tòa đã không thể tiến hành được do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 12/8/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã phải ban hành Quyết định hoãn phiên tòa số 15/2021/HS-ST/QĐ theo đó xác định lý do: Do thời gian xét xử vụ án nằm trong thời gian 14 ngày (kể từ 00h ngày 02/8/2021) giãn cách xã hội theo Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương và Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh Sóc Trăng (sự kiện bất khả kháng) nên vụ án tiếp tục hoãn và được triệu tập lại vào ngày 13 - 14/9/2021.
Như vậy, việc vận dụng chính sách đối với Luật sư khi tham gia tố tụng có sự khác biệt giữa các địa phương, nên chăng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố phía Nam cần thiết có văn bản để các địa phương áp dụng chính sách phù hợp hơn cho hoạt động của giới Luật sư trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch Covid-19.
NGUYỄN THÀNH
TAND cấp cao tại TP. HCM lên 3 kịch bản phòng chống Covid-19