/ Bút ký Luật sư
/ Tản mạn về lẽ công bằng

Tản mạn về lẽ công bằng

05/01/2021 17:59 |

LSVNO - Cách đây đúng 30 năm, trong buổi chia tay học viên lớp pháp lý cho các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại Buôn Mê Thuột, khi kết thúc môn học, tôi đã rất xúc động về tấm chân tình mà học viên dà...

LSVNO - Cách đây đúng 30 năm, trong buổi chia tay học viên lớp pháp lý cho các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại Buôn Mê Thuột, khi kết thúc môn học, tôi đã rất xúc động về tấm chân tình mà học viên dành cho tôi với tư cách một người thầy của họ. Nỗi xúc động ấy đã khiến tôi có được một bài thơ để thay lời tạm biệt.

Liên tưởng tới vị thế của những người tôi sắp chia tay, họ đều là những cán bộ tòa án, kiểm sát, công an, thanh tra, tư pháp, kiểm lâm… mà hoạt động của họ có liên quan đến số phận của nhiều người, tôi bật ra được những câu thơ:

Bao la biển cả cuộc đời

Đó đây còn biết bao người khổ đau

Oan khiên đè nặng trên đầu

Lòng tin không lẽ phai màu thắm tươi (?)

Lương tâm - bài học một thời

Cha ông đã dạy làm người có nhân

Là người nẩy mực cầm cân

Nhớ câu Giữ-Lấy-Lòng-Dân-Hỡi người!

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cái gốc của nhân tâm là lẽ công bằng. Hơn một tháng trời chung nhau đèn sách, tôi đã dồn hết tâm huyết vào bài giảng, những gì tôi hiểu, tôi cảm về thực tế hoạt động giảng dạy và nghề bào chữa đều được đưa vào bài giảng dưới dạng những ví dụ sinh động, thiết thực để rút ra những nhận xét về giá trị của lẽ công bằng trong xã hội. Nỗi niềm khao khát của tôi đã được hóa thành thơ:

Ước mong bài giảng của tôi

Sẽ thêm chút nắng cho đời ấm lên

Đem về cho mẹ cho em

Lẽ công bằng - của tổ tiên bao đời!

Vâng, tôi biết không chỉ riêng tôi trăn trở về cái lẽ công bằng trong xã hội. Bởi nó là khát vọng từ ngàn đời của cha ông, là di sản tinh thần quý báu mà tổ tiên loài người để lại cho chúng ta. Ở đời, ngay trong gia đình, nếu không có lẽ công bằng thì sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Thử hỏi, cha mẹ mà còn phân biệt, yêu đứa này, ghét đứa kia và đối xử không công bằng với con cái thì gia đình sẽ ra sao?

Tôi nhớ trong dân gian đã lưu truyền một câu nói về lẽ công bằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Câu nói ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng mục tiêu cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh!

Tôi có hai đứa cháu ngoại, hồi chúng còn nhỏ, có hai chuyện khiến tôi giật mình.

Chuyện thứ nhất. Hai đứa cùng chơi đồ chung rồi giành nhau. Thằng em khóc ầm lên, nằm lăn ra giẫy đành đạch như bị đánh đau đớn lắm. Tôi đang làm việc, thấy thế liền dùng quyền uy của người ông, phạt thằng anh đứng úp mặt vào tường. Thằng anh chấp hành nhưng cứ ấm ức, tủi thân, nước mắt trào ra. Khi được ông tha, nó mới mếu máo nói rằng: “Ông phạt không công bằng, con có lỗi gì đâu, em con nó ăn vạ đấy ông ạ”. Tôi đành an ủi nó: “Ông phạt con gọi là để dỗ em đấy mà”.

Chuyện thứ hai. Một lần đi công tác về, tôi mua cho mỗi đứa một bộ đồ rất đẹp, chỉ khác nhau ở màu sắc và các hình trang trí trên ngực áo. Nhận quà xong, cả hai đứa cảm ơn ông ngoại, nhưng bỗng nhiên thằng lớn bày tỏ: “Sao ông không mua cho con cùng màu và có hình siêu nhân như em con hả ông?” Tôi lặng người về thắc mắc của nó. Bởi tôi chỉ có một quan niệm đơn giản về việc mua quà mà không để tâm tới sở thích của đứa cháu, điều mà lẽ ra tôi chú ý thì vẫn có thể làm được.

Hai câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi về cách hành xử đối với trẻ thơ. Nhưng đấy là chuyện trong nhà.

Ngoài xã hội, khi hành nghề luật sư, tôi đã gặp những trường hợp thân chủ của mình bị hàm oan, nhưng gỡ được oan khiên cho họ thật là khó khăn. Đó là những nỗi oan có thật. Có người còn nói với tôi trong nước mắt: “Luật sư ơi, tòa xử tôi như vậy thật là bất công”. Từ “bất công” chỉ có nghĩa là “không công bằng” thôi, nhưng sao nghe như có mũi dao thọc thẳng vào tim khi nó được phát ra từ miệng của một người đang phẫn uất với bản án của quyền lực.

Tôi cũng chỉ biết khuyên họ bằng một sự cảm thông và hứa sẽ giúp họ trong phiên xử phúc thẩm khi họ kháng cáo. Thử hỏi, tôi làm được gì trước hoàn cảnh ấy của thân chủ? Từ sâu thẳm lòng mình, tôi tự ngượng với chính nghề nghiệp của mình, vì đã không làm thay đổi được số phận oan khiên của họ.

Nhìn lại thực trạng tư pháp nước ta từ khi có Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nền tư pháp nước nhà đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Các bộ luật chuyên ngành về tư pháp cũng đã được sửa đổi, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, nhưng giữa những quy phạm trong các bộ luật và thực tế thi hành trong đời sống tư pháp vẫn còn một khoảng trống, chưa thể lấp đầy.

Tôi ghi nhận những ý kiến kết luận của ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương trong buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về khảo sát, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, trong đó có nội dung về môi trường thực tế thực hiện các quyền tố tụng của luật sư trong hành nghề theo quy định của các bộ luật tố tụng vẫn còn là một vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm.

Môi trường ấy đang đặt ra trước chúng ta nhiều việc phải làm, trong đó phát huy vai trò, vị trí của luật sư và nghề luật sư, cũng như nâng cao nhận thức của những cơ quan, cá nhân nắm giữ quyền lực Nhà nước trong hoạt động tố tụng trong quan hệ với luật sư.

Bởi, các chủ thể quan hệ tư pháp không có mục đích nào cao hơn là cùng nhau phụng sự công lý, bảo đảm được lẽ công bằng trong xã hội. Đó cũng là yêu cầu để bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp mới của nước ta.

Tôi cũng ghi nhận những ý kiến của ông Lê Quý Vương - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an trong buổi làm việc với đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi về nội dung thông tư mới sắp ban hành có liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư với yêu cầu cao nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện trách nhiệm của mình trong quan hệ tố tụng điều tra, nhằm hạn chế oan sai, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Định hướng lớn của cải cách tư pháp là lấy tòa án làm trung tâm, phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Có như thế mới bảo đảm được lẽ công bằng trong xét xử.

Không phải ngẫu nhiên mà văn học pháp đình thế giới xây dựng được một nhân vật Bao Công từ một nguyên mẫu có thực là Bao Chửng từ đời Tống bên Trung Quốc. Hình ảnh Bao Công là tượng trưng cho quyền lực nhà nước trong phán xét số phận con người.

Trong phim, ta chỉ thấy một khuôn mặt đen, quắc thước với ánh mắt nghiêm nghị và nửa vành trăng trên vầng trán rộng, không bao giờ thấy ông cười. Thế nhưng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng ấy là cả một tấm lòng nhân hậu bao dung và một niềm tin vào sức mạnh của công lý.

Ông cũng có những giây phút dằn vặt khó xử khi nghĩ suy về vụ án có đụng chạm đến các bị cáo xuất thân từ “hoàng thân quốc thích” để tìm những lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình trong sứ mệnh diệt trừ cái ác bằng những lời kết tội thấu tình đạt lý, khiến người được ông phán xét phải tâm phục khẩu phục.

Bao Công - Ông là biểu tượng của lẽ công bằng.

Mong sao nền tư pháp nước ta có thật nhiều vị Bao Công như thế!

                                                LS. Nguyễn Minh Tâm