Ngày 08/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Về hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, dự án Luật sửa đổi 03 điều, bổ sung 01 khoản.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi về hoạt động quảng cáo trên báo in với quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, trên báo nói, báo hình, dự thảo Luật cũng tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm. Dự thảo Luật cũng nêu trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
Dự thảo Luật cũng bổ sung so với quy định hiện hành về định nghĩa hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, liên quan đến quy định quảng cáo trên báo in, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, cơ quan này đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỉ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội thống nhất với ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%.
Về quảng cáo trên phim truyện, cơ quan này cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, đảm bảo số lần ngắt quảng cáo trong chương trình phim truyện hợp lý để bảo vệ quyền lợi của khán giả. Đồng thời, làm rõ các căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi quy định này.
Cơ quan này đề nghị nghiên cứu quy định về quản lý quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài.
Theo quy định hiện hành, Điều 21 Luật Quảng cáo 2012 quy định, đối với việc quảng cáo trên báo in thì tiện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí trước ít nhất 30 ngày tính đến ngày phát hành đầu tiên của phụ trương quảng cáo.
Phụ trương quảng cáo của báo phải đánh số riêng; có cùng khuôn khổ, phát hành kèm theo số trang báo chính.
Trên trang một của phụ trương quảng cáo phải ghi rõ các thông tin sau: Tên tờ báo; Tên, địa chỉ của cơ quan báo chí; Dòng chữ “Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán”.
Đồng thời, không được quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất của báo.
Còn đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình, Điều 22 Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ, thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình gồm: Chương trình thời sự; Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.
Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.
Cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo; Ý kiến của cơ quan chủ quản; Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí.
Trong trường hợp cơ quan báo chí có nhu cầu thay đổi nội dung giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đến cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép gồm: Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép; Bản sao có chứng thực giấy phép đang có hiệu lực.
Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí xem xét cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí xem xét, cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo hoặc cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung; cơ quan cấp giấy phép phải gửi bản sao giấy phép đã cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ quan báo chí đặt trụ sở chính để phối hợp trong công tác quản lý.