Các Luật sư tại phiên toà.
Theo cáo trạng số 20/CT-VKS-P3 ngày 28/3/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình kết luận: Năm 2018, Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Gói thầu DH-3.1 - Rà phá bom mìn, vật liệu nổ Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới và Gói thầu DH/NC1 - Rà phá bom mìn Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới.
Trong quá trình thực hiện 02 gói thầu trên, các bị can Nguyễn Văn Thuận, Lê Anh Tuân, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Linh đã có những vi phạm: Cho phép đơn vị nhà thầu tổ chức thi công khi mới ký hợp đồng nguyên tắc và chưa ký hợp đồng chính thức đã vi phạm điểm d khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng về điều kiện khởi công công trình; Cho phép đơn vị thi công rà phá bom mìn trên hiện trường khi chưa có phương án kỹ thuật thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thi công khi chưa ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng giám sát thi công theo quy định đã vi phạm khoản 1 Điều 111 Luật Xây dựng và vi phạm khoản 5 Điều 7, Điều 33 “Quy trình kỹ thuật thăm dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ" ban hành kèm theo Quyết định 95/2003/QĐ-BQP, ngày 07/8/2003 của Bộ Quốc phòng; Nghiệm thu, thanh toán đối với khối lượng thực hiện khi không có phương án thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện hoạt động nghiệm thu trên hiện trường thi công và biết rõ tại thời điểm ký Hồ sơ nghiệm thu hoàn thành (ngày 30/12/2018) các gói thầu DH 3.1 và DH/NC1 vẫn chưa thi công xong, đã vi phạm các điểm 5.9.1 và 5.9.5.3 về nghiệm thu công tác rà phá bom mìn vật nổ, phần 3 TCVN 10299-3:2014 về khắc phục hậu quả bom mìn và vi phạm các khoản 2, 3 Điều 123 Luật Xây dựng.
Các bị can Nguyễn Văn Thuận, Lê Anh Tuân, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Linh đã vi phạm các quy định về xây dựng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công của nhà thầu, không phát hiện được việc nhà thầu không thi công một khối lượng lớn trong hạng mục khoan tạo lỗ phục vụ rà phá bom mìn; lập khống hồ sơ thi công, nghiệm thu, thanh toán dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền 7.493.710.130 đồng.
Do đó, hành vi nêu trên của các bị can đã phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm b, khoản 1 và khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu làm rõ nhiều nội dung quan trọng như kết quả giám định, có hay không có thiệt hại xảy ra, người, tổ chức nào gây thiệt hại. Tuy nhiên Viện Kiểm sát và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã không đáp ứng được yêu cầu bổ sung của Tòa án.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05 và 06/9/2022, sau khi thẩm vấn, tranh luận và nghị án, phát sinh nhiều vấn đề mà theo đó chưa có căn cứ để buộc tội các bị cáo. Theo cáo trạng và kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Hội đồng xét xử buộc phải trở lại phần xét hỏi, tranh luận vào ngày 13/9/2022. Kết quả thẩm vấn tranh luận bổ sung cho thấy tài liệu xác định tư cách giám định viên vụ việc có nhiều mâu thuẫn vì chỉ là các văn bản photo do giám định viên cung cấp, nên theo đề nghị của Viện Kiểm sát và các Luật sư, Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa để giám định viên Nguyễn Phước Khoa bổ sung.
Ngày 19/9/2022, Tòa tiếp tục thẩm vấn, kiểm tra, công bố các tài liệu liên quan đến tư cách giám định viên vụ việc. Theo đó xác định được nhiều chứng chỉ nghề nghiệp chuyên môn đã hết thời hạn sử dụng, các quyết định tài liệu về mặt pháp lý như Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình theo Điều 9 Luật Giám định tư pháp không có Quyết định công nhận, Giám định viên tư pháp theo vụ việc của UBND tỉnh Quảng Bình cũng không.
Từ đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định “trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình để điều tra bổ sung”, tiến hành giám định lại với Giám định viên khác hoặc Hội đồng giám định.
Vụ án có dấu hiệu oan sai do kết quả giám định ban đầu của Giám định viên không hội đủ tư cách giám định làm bức xúc dư luận. Hy vọng với kết quả giám định lại, Toà án sẽ có phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mang lại niềm tin vào sự công bằng của pháp luật.
NGUYỄN THÀNH
Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?