Theo đó, để bảo đảm thuận tiện cho công tác tương trợ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao cập nhật các Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Trang tin TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
Trường hợp Tòa án gửi hồ sơ theo đường bưu chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 474 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 10 (a) của Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt giấy tờ), Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri (có hiệu lực từ ngày 6/03/2019), các Tòa án cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Theo quy định tại Điều 10 (a) của Công ước tống đạt giấy tờ, nếu nước nơi đương sự có địa chỉ không phản đối, thì nước khác có thể tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự theo đường bưu chính, không phân biệt đương sự đó là tổ chức hoặc cá nhân có quốc tịch nước tống đạt, nước sở tại hoặc không quốc tịch.
Do đó, Tòa án có thể gửi hồ sơ theo đường bưu chính cho các đương sự là công dân Việt Nam, công dân Việt Nam có cả quốc tịch nước khác, người nước ngoài, tổ chức nước ngoài có địa chỉ tại các nước không phản đối nước khác tống đạt văn bản tố tụng theo Điều 10 (a) của Công ước tống đạt giấy tờ. Danh sách các nước này đã được Tòa án nhân dân tối cao cung cấp tại Công văn số 33/TANDTC-HTQT ngày 21/02/2017, Công văn số 101/TANDTC-HTQT ngày 25/6/2020 và tại Công văn này.
Hung-ga-ri là nước tuyên bố phản đối nước khác tống đạt văn bản theo quy định của Điều 10 (a) của Công ước tống đạt giấy tờ. Tuy nhiên, tại Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri có quy định về việc cho phép Tòa án nước này áp dụng phương thức tống đạt theo đường bưu chính cho đương sự ở nước kia. Do đó, Tòa án có thể tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự có địa chỉ tại Hung-ga-ri theo đường bưu chính theo điều kiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Hiệp định tương trợ tư pháp nêu trên;
- Trong hồ sơ gửi theo đường bưu chính, Tòa án không phải lập văn bản yêu cầu ủy thác tư pháp theo Mẫu 2A hoặc 2B ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;
- Hồ sơ phải được dịch, có công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký của người dịch ra ngôn ngữ chính thức của nước nêu tại điểm a Mục 2 của Công văn này hoặc ngôn ngữ được nước đó chấp nhận đối với trường hợp đương sự là người nước ngoài, tổ chức nước ngoài. Trường hợp đương sự ở nước ngoài có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam, thì hồ sơ được lập bằng tiếng Việt, không phải dịch ra tiếng nước ngoài;
- Trong hồ sơ, Tòa án cần có văn bản yêu cầu đương sự thực hiện việc chứng thực chữ ký, hợp pháp hóa lãnh sự, dịch giấy tờ, tài liệu mà họ gửi cho Tòa án theo quy định tại Điều 478 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự ở nước ngoài là công dân Việt Nam, Tòa án cần nêu rõ trong văn bản: nếu vì lý do khách quan mà không thể đến Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài để chứng thực chữ ký trên giấy tờ, tài liệu do đương sự lập, thì đương sự chuyển sang thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu đó theo hướng dẫn công bố trên trang thông tin của Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài;
Ví dụ: đối với công dân Việt Nam cư trú tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hướng dẫn đương sự yêu cầu hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu để thay thế việc chứng thực chữ ký trên giấy tờ, tài liệu tại Mục: Thủ tục hợp pháp hóa và chứng thực bản sao giấy tờ, tài liệu tại Trang thông tin điện tử của Đại sứ quán <http://vietnamembassy-usa.org/vi/lanhsu/hop-phap-hoa-va-chung-nhan-giay> như sau:
“1. Hợp pháp hóa (legalization)
Đối với việc chứng nhận, công chứng chữ ký hoặc giấy tờ ủy quyền, Đại sứ quán chỉ thực hiện đối với khách đến ký trực tiếp tại trụ sở Đại sứ quán (xem thủ tục công chứng, chứng thực chữ ký hoặc giấy tờ ủy quyền).
Trường hợp không thể trực tiếp đến Đại sứ quán, Quý vị có thể làm thủ tục theo các bước sau:
- Ký giấy tờ trước mặt công chứng viên Hoa Kỳ;
- Xin chứng nhận tại Bộ Ngoại giao Tiểu bang (State level - Department of State), địa chỉ liên hệ các Bộ Ngoại giao Tiểu bang tải tại đây;
- Gửi qua đường bưu điện đến ĐSQ làm thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ của Hoa Kỳ để mang về Việt Nam sử dụng (xem thủ tục ở dưới).”
- Khi thực hiện việc gửi hồ sơ theo đường bưu chính, Tòa án cần sử dụng loại dịch vụ bưu phẩm bảo đảm cỏ gắn số hiệu để định vị, theo dõi quá trình chuyển phát. Để nhận kết quả chuyển phát bưu phẩm, Tòa án đề nghị công ty bưu chính hướng dẫn cách sử dụng mã phiếu gửi/mã bưu gửi (là dãy số hoặc dãy số cùng chữ cái in trên phiếu gửi/bưu gửi) để tra cứu trực tuyến, in ra thông báo kết quả chuyển phát bưu phẩm. Đây là căn cứ để Tòa án xác định đã hoàn thành việc tống đạt hoặc phải tiếp tục tống đạt lại văn bản tố tụng.
MINH HIỀN