(LSO) - Bố mẹ tôi có làm thủ tục tặng cho em trai tôi mảnh đất có diện tích khoảng 250m2. Tuy nhiên, hiện nay em trai tôi đang muốn bán mảnh đất này đi, bố mẹ tôi không đồng ý. Vậy trong trường hợp này, bố mẹ tôi có thể đòi lại phần diện tích đã tặng cho này được không? Chị N. (Hà Nội) hỏi.
Theo Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch Công ty Luật Onekey & Partners), hiện thông tin bạn cung cấp không nói rõ việc bố mẹ bạn tặng cho em trai của chị 250m2 đất là tặng cho bằng văn bản, đã hoàn tất thủ tục tặng cho tại cơ quan có thẩm quyền hay chưa hoặc chỉ nói miệng “tặng cho”, hoặc em trai bạn đã đủ tuổi vị thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hay chưa?
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Căn cứ Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Cụ thể:
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này. |
Như vậy, trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu. Trường hợp đã tặng cho hoàn tất, việc chuyển quyền sở hữu đã xong thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho, người tặng cho không thể đòi lại.
Như vậy, trừ trường hợp hợp đồng tặng cho đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện và em trai bạn vi phạm điều kiện này thì có thể lấy đó làm căm cứ chấm dứt hợp đồng.
Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về giao dịch dân sự có điều kiện. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
Do đó, bố mẹ bạn chỉ có thể đòi lại tài sản đã tặng cho trong trường hợp là tặng cho tài sản có điều kiện và bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.
Trong trường hợp, việc tặng cho nêu trên tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật dân sự và đất đai, em trai của bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự thì khi đó hợp đồng tặng cho bất động sản đã có hiệu lực pháp luật. Bố mẹ bạn không có quyền đòi lại mảnh đất đã tặng cho em trai bạn. Vậy, có nghĩa là em trai của bạn có đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu là: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và định đoạt mảnh đất đó. Việc người em muốn bán mảnh đất đó là phù hợp và không cần hỏi ý kiến của bất cứ ai. Việc bố mẹ bạn không đồng ý và muốn đòi lại mảnh đất là không có căn cứ và không đúng với pháp luật.
THANH THANH