(LSVN) - Ngày 30/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1676/TTg-NC về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh, trật tự.
Công văn nêu rõ, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh, trật tự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1676/TTg-NC về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả các Đề án được giao trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, lồng ghép các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người với nội dung, nhiệm vụ của Đề án; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn để xây dựng và phát triển đất nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa với xây dựng nông thôn mới, các hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư nhằm hạn chế và loại bỏ nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người.
Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở để xảy ra tội phạm giết người.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triến khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội của địa phương để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh ở cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư và hộ gia đình để phòng ngừa, phát hiện tội phạm.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quản lý tại gia đình; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn, không có tệ nạn ma túy.
THU HẰNG