Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Theo đó, thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động,...
Trong văn bản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên cũng như thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân; đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương cần có các giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bên cạnh các giải pháp về thu hút đầu tư, các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Nhà ở xã hội cũng là một trong chủ đề kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm tới. Cụ thể Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2022 dự kiến lựa chọn 11 chủ đề kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội và việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu,...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
DUY ANH