/ Thư viện pháp luật
/ Tăng cường quản lý hoạt động giám định tư pháp ở địa phương

Tăng cường quản lý hoạt động giám định tư pháp ở địa phương

17/06/2023 19:54 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng, tiến hành rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ người làm giám định tư pháp ở địa phương, trong đó cần quan tâm tổ chức, tăng cường và bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc các công chức, viên chức làm giám định ở địa phương.

Ảnh minh họa.

 

Ngày 13/6/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn 2397/BTP-BTTP về việc tăng cường tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp.

Cụ thể, Công văn 2397/BTP-BTTP nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng, với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giám định tư pháp.

Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng, tiến hành rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ người làm giám định tư pháp ở địa phương, trong đó cần quan tâm tổ chức, tăng cường và bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc các công chức, viên chức làm giám định ở địa phương. Đồng thời, quan tâm bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cho đội ngũ người làm giám định tư pháp ở địa phương tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định ở các lĩnh vực chuyên môn do bộ, ngành chủ quản tổ chức; rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp công lập và theo vụ việc để đáp ứng kịp thời, chất lượng yêu cầu của hoạt động tố tụng ở địa phương.

Bên cạnh đó, bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, thời gian và điều kiện cần thiết khác cho tổ chức, người giám định tư pháp hoặc công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị chuyên môn ở địa phương được cử, phân công làm giám định hoàn thành kịp thời, có chất lượng nhiệm vụ giám định.

Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; tham mưu, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành chính sách thu hút các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có năng lực tham gia hoạt động giám định; kịp thời động viên, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức làm giám định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định hoặc đóng góp tích cực, tham gia có hiệu quả vào hoạt động giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng ở địa phương.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác giám định tư pháp và kịp thời có giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp ở địa phương hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cơ quan có thẩm quyền.

QUÝ NGUYÊN

Bộ Nội vụ chưa đề xuất sáp nhập bộ, ngành

Nguyễn Hoàng Lâm