Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2019 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán không đúng giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch.
Tại Điều 13 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch khác như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bán đúng giá niêm yết. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Nghị định số 45/2019/NĐ-CP không giải thích rõ thuật ngữ “kinh doanh dịch vụ du lịch khác” được hiểu như thế nào. Nhưng theo nhận thức thông thường, thì kinh doanh dịch vụ du lịch khác có thể hiểu là những dịch vụ ăn theo điểm du lịch và diễn ra tại điểm du lịch bao gồm: Bán vé thăm quan điểm du lịch, cho thuê quần áo, ăn uống, xe điện, cáp treo, chụp ảnh…
Bên cạnh đó, tại Điều 5 của Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định rõ mức phạt tiền tại Điều 10 và 13 là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm với hành vi tương ứng thì mức phạt gấp 02 lần cá nhân.
Trường hợp phát hiện vi phạm thì du khách có thể báo cáo sự việc đến Chủ tịch UBND cấp xã nơi có điểm du lịch, trong trường hợp mức phạt tiền đến 5.000.000 đồng hoặc báo đến Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có điểm du lịch, nếu mức phạt tiền đến 25.000.000 đồng để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
HỒNG HẠNH