/ Tích hợp văn bản mới
/ Tăng hậu kiểm để ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng lưu hành

Tăng hậu kiểm để ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng lưu hành

24/02/2025 19:16 |1 tháng trước

(LSVN) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn thực phẩm. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm để kiểm soát, nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng và kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố; tự công bố sản phẩm...

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng phát triển mạnh mẽ, Bộ Y tế đã đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị sản xuất và công bố thực phẩm chức năng. Việc kiểm tra, hậu kiểm các hồ sơ công bố sản phẩm đã phát hiện không ít trường hợp tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm giả mạo hồ sơ hoặc thiếu trung thực về thành phần, công dụng của sản phẩm.

Tại dự thảo đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đứng tên trong hồ sơ công bố sản phẩm. Chỉ những cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm mới được phép đứng tên trong hồ sơ công bố sản phẩm. Nếu không phải là các chủ thể này, tổ chức hoặc cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường cần có giấy ủy quyền rõ ràng. Điều này nhằm tránh tình trạng thiếu minh bạch, làm giả hồ sơ công bố, và xác định rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Bên cạnh việc kiểm soát tổ chức và cá nhân, Bộ này cũng đề xuất bổ sung quy định về việc thuyết minh thành phần trong các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Điều này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn về tính năng, công dụng của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng pha trộn quá nhiều chất hóa học hoặc dược liệu không cần thiết vào sản phẩm mà không giải thích được lý do. Việc phối trộn các chất không tương thích có thể dẫn đến những phản ứng hóa học nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy định doanh nghiệp phải công bố lại sản phẩm nếu có sự thay đổi về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, tên sản phẩm, thành phần, công dụng, hoặc bất kỳ yếu tố nào có ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm. Điều này giúp đảm bảo rằng khi có thay đổi, sản phẩm vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và công dụng như đã công bố. Cùng với đó, đưa ra quy định yêu cầu thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố đối với các sản phẩm thực phẩm không sản xuất hoặc kinh doanh trong vòng 3 năm sau khi công bố. Đây là một biện pháp cần thiết để ngừng lưu hành những sản phẩm không còn được sản xuất hoặc không còn đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Tăng cường công tác hậu kiểm không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn là biện pháp bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng các quy định mới không làm gia tăng thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, mà chỉ đơn giản là cải thiện quy trình quản lý, giúp tăng cường trách nhiệm của các tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một thị trường thực phẩm chức năng minh bạch hơn, an toàn hơn, giúp người tiêu dùng có thể hoàn toàn tin tưởng vào những sản phẩm bảo vệ sức khỏe mà họ sử dụng hàng ngày...

MINH ANH

Các tin khác