/ Tích hợp văn bản mới
/ Tăng mức phạt đối với người được trợ giúp pháp lý có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật

Tăng mức phạt đối với người được trợ giúp pháp lý có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vừa được Chính phủ ban hành. Trong đó, đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ảnh minh họa.

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tuy nhiên cũng có nhiều đối tượng lợi dụng việc này để cố ý làm sai quy định của pháp luật nhằm trục lợi cho cá nhân. Vậy với những hành vi vi phạm này pháp luật quy định mức xử phạt ra sao?

Trước đây, người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ bị phạt cảnh cáo. Còn theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, hành vi này đã tăng mức phạt. Cụ thể, tại Điều 51 Nghị định quy định về các hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện là người được trợ giúp pháp lý.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là tài liệu sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020 và thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.

THANH THANH

/chong-vay-tien-choi-ca-do-vo-co-phai-cung-tra-no-khong.html