(LSVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề môi trường lên ngang bằng và có thể cao hơn cả kinh tế, mặc dù luôn khát khao tăng trưởng nhưng không đánh đổi bằng môi trường.
Môi trường là một trong những vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với các thành viên Chính phủ tại nghị trường trong tuần vừa qua. Vấn đề này được đánh động trên nhiều góc độ, từ câu chuyện “thiên nhiên và rừng có quan hệ gì, đến việc xử lý tình trạng ô nhiễm ở các lưu vực sông hay vấn đề làm thủy điện… Kỳ họp này, vấn đề môi trường trở nên nóng hơn hẳn khi mà người dân miền Trung vừa trải qua đợt thiên tai lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” với các vụ sạt lở đất chưa từng thấy. Nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ và được trả lời thấu đáo tại nghị trường.
“Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi thiên tai, bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội", Thủ tướng chia sẻ tại phiên chất vấn ngày 10/11.
“Bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt”.
“Chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị”.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề môi trường lên ngang bằng và có thể cao hơn cả kinh tế, mặc dù luôn khát khao tăng trưởng nhưng không đánh đổi bằng môi trường. Cách đây hơn 4 năm, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, vào tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tại Đắk Lắk về các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên. Tại đây, Thủ tướng đưa ra quyết định mạnh mẽ của Chính phủ: Đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc.
"Đơn thuốc" cho “lá phổi” của Tổ quốc được kê nhưng sẽ không hiệu quả nếu không dùng đủ liều. Vì vậy, với phương châm nói đi đôi với làm, đi đến tận cùng vấn đề, vào tháng 10/2017, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó tập trung kiểm điểm xem chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đã được thực hiện đến đâu sau 1 năm. Bức tranh đã sáng hơn. “Vừa rồi, tôi có đi lên Tây Bắc, đi Đồng bằng sông Cửu Long, thấy nhiều màu xanh, mừng lắm”, Thủ tướng bày tỏ niềm vui khi chủ trương đóng cửa rừng đã phát huy tác dụng.
Tỉ lệ độ che phủ rừng tăng dần. Hằng năm, toàn quốc trồng được khoảng 230.000 ha. Đến nay, cả nước hiện có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha. Đây là cố gắng vượt bậc, vì năm 1990 chúng ta chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, sau 30 năm, đến nay hệ số che phủ của nước ta đã đạt gần 42%, trong khi trung bình của thế giới là 29%.
Không chỉ giữ rừng, Thủ tướng luôn trăn trở làm sao đưa “màu xanh” vào tăng trưởng. Đóng cửa rừng nhưng không vì thế mà khép lại cơ hội, sinh kế đối với hàng triệu đồng bào dân tộc, vốn bao đời nay sống dựa vào rừng. Thủ tướng đã nêu rõ chủ trương tiến hành sắp xếp lại các nông, lâm trường để bảo đảm đất rừng có chủ, không “phát canh thu tô” đất rừng trong bối cảnh người dân không có đất sản xuất. Yêu cầu thực hiện nghiêm chính sách đãi ngộ đối với người trồng rừng.
Và lại một năm sau đó, vào tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Tại đây, Thủ tướng đưa ra hàng loạt giải pháp không để “kho vàng” ngủ quên, đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới. Năm nay, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản ước đạt 12,5 tỉ USD, vượt mục tiêu đề ra. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản. Phấn đấu 5 năm nữa, con số này sẽ lên 18-20 tỉ USD. Kết quả này càng quý hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều nhóm ngành hàng sụt giảm, càng khẳng định nông-lâm nghiệp bao đời nay luôn là trụ đỡ của đất nước.
Và một điều quan trọng nữa, chính nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng giúp cho độ che phủ rừng tăng theo, hoàn thiện chuỗi cung ngành lâm nghiệp, tạo ra công ăn việc làm thay đổi đời sống các hộ trồng rừng, tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán “tam giác phát triển”: kinh tế - xã hội - môi trường, “tăng trưởng xanh” thì mới bền vững.
Tại rất nhiều cuộc họp, sự kiện, Thủ tướng luôn thể hiện quan tâm đến “kiềng 3 chân” trong phát triển bền vững: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm, xử vi phạm môi trường phải nghiêm như xử lái xe uống rượu bia… Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành. Bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể, từ việc làm nhỏ nhất của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Trong nghị quyết của từng chi bộ, đừng nói chuyện “trên trời, dưới biển”, mà cần bàn vào những vấn đề sát sườn như bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.
Đi thị sát thực tế tại nhiều địa phương, Thủ tướng luôn than phiền về thực trạng nhiều nơi túi nilon còn vương vãi khắp các bờ ruộng, con đường. Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối đối với toàn cầu và cả nước ta, khi mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa, trôi nổi trên các đại dương. Tháng 6/2019, tại bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát động trên toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa; đặt mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thấu hiểu sự quan tâm của Thủ tướng, tại trụ sở Chính phủ, các cán bộ, nhân viên phục vụ ở đây đã thay toàn bộ chai nước bằng nhựa bằng các chai thủy tinh và hộp giấy. Tại các hội nghị, sự kiện mà Chính phủ tổ chức, đều không còn thấy “bóng dáng” chai nước bằng nhựa sử dụng một lần. Hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lan tỏa lớn, luôn gương mẫu và đi đầu.
Năm nào cũng vậy, cứ dịp Xuân về, Thủ tướng đều dự “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở địa phương, thể hiện mong muốn đem lại một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc. Năm ngoái, dự Tết trồng cây tại Hà Nội, Thủ tướng đề nghị mỗi gia đình ở Thủ đô trồng một cây xanh, cây cảnh, cây hoa để Hà Nội trở thành thành phố văn hoá với 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, tạo dựng một nét đẹp mới trong đời sống của người Tràng An.
Có thể nói, sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh mà Thủ tướng nêu trước Quốc hội vừa qua không chỉ là đề xuất, mà còn là “mệnh lệnh trái tim”. Đối với đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu thì trồng cây, phục hồi rừng cũng là yêu nước. Trồng rừng là khẩn cấp như một hành động vệ quốc. Ai cũng có thể nói rằng mình yêu nước thì đây là lúc để thể hiện. Một cuộc cách mạng về tái tạo rừng xanh đang chờ tất cả chúng ta chung tay góp sức.
MỸ LINH