LSVNO - Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều thuận lợi. Để duy trì “phong độ” này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng cường quảng bá, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, phân phối sản phẩm...
Thời gian qua, rất nhiều thương hiệu Việt vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới nhưng thương hiệu vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, việc cạnh tranh trên thị trường trong nước đang ngày càng khốc liệt và nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đang tích cực xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, hàng hóa Việt.
Dạo quanh các siêu thị Co.op Mart tại các tỉnh, thành phía Nam… hiện đang bày bán rất nhiều mặt hàng, trong đó 90% là sản phẩm mang thương hiệu Việt. Các mặt hàng mang thương hiệu Việt được trưng bày nổi bật trên các quầy kệ, theo từng nhóm hàng. Phía trước mỗi mặt hàng đều niêm yết giá bán rõ ràng, ghi đầy đủ thông tin xuất xứ sản phẩm…
Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết: "Suốt thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng như ngành Công thương đã nỗ lực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân, nhất là người dân nông thôn. Năm 2017, ngoài việc tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn và các chương trình kết nối giao thương, ngành đã xây dựng được một điểm cố định bán hàng Việt tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Sau điểm bán hàng cố định này, trong năm 2018, ngành sẽ tiếp tục mở các điểm bán hàng Việt cố định ở các địa phương còn lại trong tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ".
Ngành du lịch tại Vũng Tàu cũng không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng trong nước (Khu du lịch nghỉ dưỡng tại Côn Đảo)
Ngoài ra, việc hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo sức mạnh trong phát triển sản xuất kinh doanh của thương hiệu Việt. Đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò của liên đoàn doanh nghiệp, của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ và liên kết các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, một vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết: "Là tỉnh có mức độ tăng trưởng cao, thu hút đầu tư nhiều ngành nghề thuộc mọi thành phần kinh tế, Hàng năm khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước ở Bình Dương đóng góp hơn 30% GDP của địa phương. Trong đó, các khâu thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm thường tạo ra giá trị gia tăng cao cần nâng tầm cạnh tranh sản phẩm và thương hiệu Việt nhằm khẳng định mình ở sân chơi thị phần trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng...
Còn tại Đồng Nai, kết thúc năm 2017, một năm có nhiều biến động, đặc biệt là đối với ngành sản xuất nông nghiệp nhưng kinh tế Đồng Nai vẫn có bước phát triển khá vững chắc, trong đó nổi bật là kim ngạch xuất khẩu quay trở lại đà tăng ấn tượng, đạt 16,9 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đã mở rộng được thị trường xuất khẩu. Năm 2018, Đồng Nai phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 18,5 tỷ USD. Để làm được điều đó, ngành Công thương xác định sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt.
Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lẫn nâng cao bán sức cạnh tranh trong nước, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng tìm những thị trường “dễ tính” để sản phẩm công - nông nghiệp có cơ hội thâm nhập. Theo đó, trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, sẽ có những điều chỉnh để vừa tránh lãng phí vừa mang lại hiệu quả cao. Tỉnh sẽ tăng cường kết nối với các Bộ, ngành Trung ương và mời các doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh tham gia, đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin với các Hiệp hội và Hội Xuất nhập khẩu, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để việc xúc tiến có hiệu quả hơn.
Qua đó, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, điều quan trọng là cần tập trung phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân để tạo điều kiện đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển bền vững nền sản xuất hàng hóa trong nước với năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh quốc tế ngày một nâng cao.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: "Với việc Việt Nam đang tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng nên yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải nâng cao sức cạnh tranh, năng suất cho hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, đảm bảo tính bền vững khi doanh nghiệp tham gia cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đang mang giá trị, ý nghĩa cho doanh nghiệp khi tham gia cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về vấn đề xây dựng thương hiệu. Đó là tổ chức các hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo. Đồng thời, phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, phát động phong trào xây dựng thương hiệu theo định hướng mà quốc gia hướng tới".
Giang San, Quách Tuấn Hải, Trần Hải