Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh tại Văn bản số 1492/UBND-KT&HT do Phó Chủ tịch Dương Thị Vân Anh ký gửi Sở Xây dựng Hà Tĩnh vào ngày 22/8/2023, về việc góp ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch Trang trại tổng hợp Kỳ Lạc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã thể hiện rõ những hành vi vi phạm của doanh nghiệp này.
Hiện nay, nhà đầu tư đã tiến hành nộp phạt, tuy nhiên chưa tiến hành các biện pháp khắc phục. Đáng nói, nhà đầu tư không triển khai nuôi trồng như mục tiêu dự án, mà các công trình được tận dụng phần mái để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để bán điện.
Không đủ pháp lý
Chiều 10/10, trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, ông Phan Lê Hùng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết, đến nay đơn vị chưa nhận được bất cứ hồ sơ thủ tục xin cấp phép nào của doanh nghiệp liên quan đến dự án điện mặt trời tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, hàng trăm tấm pin năng lượng mặt trời được áp mái theo tầng dọc sườn núi được xây dựng kiên cố, hệ thống các trạm biến áp được đấu nối điện lưới để thu gom bán điện tại xã Kỳ Lạc.
Nhiều hạng mục pin năng lượng mặt trời áp mái vi phạm được xây dựng tại Dự án trang trại do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Những hạng mục mà chính quyền địa phương đã chỉ rõ sai phạm liên quan đến việc xây dựng không phù hợp quy hoạch này được thực hiện bởi 9 nhà đầu tư khác (bên thứ 3), với công suất dưới 1Mwp trên diện tích đất thuộc Dự án Trang trại tổng hợp Kỳ Lạc, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Công ty TNHH ánh sáng Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH năng lượng sạch Hà Tĩnh; Công ty TNHH TMĐT năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH DVTM Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH xây dựng năng lượng Tái Tạo; Công ty TNHH năng lượng Bảo Trung; Công ty TNHH DVTM Xây dựng Việt Nam; Công ty TNHH năng lượng Kỳ Lạc; Công ty TNHH DVTM Bắc Miền Trung. Những công ty này ký hợp đồng trực tiếp mua bán điện với Công ty điện lực Hà Tĩnh.
Báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh tại Văn bản số 1492/UBND-KT&HT do Phó Chủ tịch Dương Thị Vân Anh ký gửi Sở Xây dựng Hà Tĩnh thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp thay đổi quy hoạch.
Ông Phan Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết, mới đây có đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra để lấy ý kiến thay đổi quy hoạch, song các hạng mục vi phạm vẫn còn nguyên hiện trạng, không thay đổi. Mỗi lần họp hội đồng, người dân địa phương vẫn lo lắng vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến xử lý pin năng lượng về sau.
Ông Trường cũng xác nhận, đến thời điểm hiện tại địa phương chưa nhận được bất cứ hồ sơ pháp lý nào thông báo về việc cho phép thay đổi quy hoạch tại dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư.
“Dừng thanh toán tiền điện”
Theo số liệu từ Điện lực Kỳ Anh (Công ty điện lực Hà Tĩnh), đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi chỉ số công tơ thu gom điện, thu phát từ 9 nhà đầu tư nói trên cho biết, từ tháng 01 đến tháng 9/2023, tổng công suất thu gom điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời của 9 nhà đầu tư này đạt gần 7,907 triệu Kwh, với tổng doanh thu khoảng 15,6 tỉ đồng.
Dù chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, song những hạng mục vi phạm vẫn được đấu nối lên điện lưới để bán điện cho Công ty điện lực Hà Tĩnh.
Điều đáng nói, việc hàng loạt nhà đầu tư lắp đặt hệ thống pin điện năng lượng mặt trời áp mái trên diện tích đất của Dự án Trang trại Kỳ Lạc nhưng chưa được cấp phép. Những hạng mục vi phạm này đã bị thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục, tháo dỡ. Song, nó vẫn tồn tại và vận hành để bán điện với phía Công ty điện lực Hà Tĩnh, liệu có sự “ưu ái” quá mức của chính quyền hay không? Pháp lý nào để phía điện lực hạch toán thuế, mua bán với các nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Kinh doanh, Công ty điện lực Hà Tĩnh cho hay, sau khi nắm bắt được thông tin các nhà đầu tư tại xã Kỳ Lạc chưa hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý, phía điện lực đã ngừng thanh toán đối với nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã dừng thanh toán chờ theo quyết định của tỉnh xem thế nào đã, sản lượng điện thì họ vẫn phát nhưng tiền thì chưa thanh toán”, vị đại diện này nói.
Trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có bài viết Hà Tĩnh: Xây dựng trái phép, Tập đoàn Hoành Sơn ‘phớt lờ’ quyết định xử phạt xoay quanh vấn đề Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn được chấp thuận xây dựng Dự án Trang trại tổng hợp Kỳ Lạc trên diện tích đất sử dụng khoảng 8,5ha, với mục tiêu dự án là chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 31 tỉ đồng.
Song, đến nay, dự án này vẫn chưa thực hiện sự phát triển chăn nuôi nào mà chủ yếu lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái bán điện.
Ngày 28/10/2022, Kiểm toán Nhà nước đã gửi Bộ Công thương thông báo kiến nghị kiểm toán liên quan đến chính sách năng lượng tái tạo. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên không được yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị để không gây khó khăn cho nhà đầu tư như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, chứng nhận phòng cháy chữa cháy... là "chưa phù hợp". Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không có hướng dẫn đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra đối với giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy... Đồng thời các địa phương được kiểm toán cũng không kiểm tra việc chấp hành theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định có liên quan của hệ thống ĐMTMN trước khi nghiệm thu đấu nối. Kiểm tra, đối chiếu tại 4 công ty điện lực, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng một số công trình thiếu Giấy phép xây dựng/văn bản xác nhận kết cấu công trình và an toàn chịu lực; chưa có văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. |
TIẾN ĐẠT – LƯƠNG LƯƠNG
Hà Tĩnh: Xây dựng trái phép, Tập đoàn Hoành Sơn ‘phớt lờ’ quyết định xử phạt