Trong phán quyết mới nhất, Tòa phúc thẩm tại La Haye khẳng định Shell có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ con người khỏi tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, tòa đã bác phán quyết sơ thẩm vào năm 2021, trong đó yêu cầu đến năm 2030, Shell phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2019, bao gồm cả lượng khí thải do sử dụng các sản phẩm của tập đoàn này.
Trước đó, trong các phiên kháng cáo, Shell lập luận rằng chỉ có các chính phủ mới có quyền yêu cầu doanh nghiệp giảm lượng khí thải, chứ không phải tòa án. Tòa phúc thẩm đã ủng hộ quan điểm của Shell rằng lệnh giảm phát thải từ các sản phẩm của tập đoàn này có thể gây tác động tiêu cực trên toàn thế giới, khiến khách hàng chuyển từ sử dụng khí đốt sang than đá gây ô nhiễm nhiều hơn.
Thẩm phán Carla Joustra kết luận bất kỳ hình thức giảm phát thải khí nhà kính nào cũng có tác dụng tích cực trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, song điều này không đồng nghĩa rằng việc yêu cầu Shell giảm khí nhà kính sẽ có tác dụng tương tự.
Shell khẳng định đang đi đúng hướng để đáp ứng yêu cầu của tòa án đối với hoạt động sản xuất của hãng, khi lượng khí thải năm ngoái thấp hơn 30% so với mức của năm 2016. Giống như một số công ty cùng ngành, Shell đã thu hẹp hoạt động năng lượng tái tạo, vốn có thể mất nhiều thời gian hơn để tạo ra lợi nhuận so với dầu khí. Tuy nhiên, công ty có kế hoạch đầu tư 10-15 tỉ USD trong giai đoạn 2023- 2025 vào nguồn năng lượng có mức phát thải carbon thấp.
Friends of the Earth Netherlands, tổ chức bảo vệ môi trường đã đệ đơn kiện Tập đoàn Shell vào năm 2019, cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại các tác nhân gây ô nhiễm lớn, nhưng không đề cập tới khả năng đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hà Lan.