(LSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoại trừ yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, khai thác dư địa của các động lực tăng trưởng từng ngành, địa phương.
Theo đó, chiều ngày 28/12, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Theo ông Phan Ngọc Thọ cho biết, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và những thiệt hại của bão lũ gây ra cho các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng. Trong những thời điểm khó khăn đấy, nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, những tấm lòng nhân ái chia sẻ vật chất, tinh thần của bà con cả nước đã góp phần hạn chế, khắc phục hậu quả bão, lũ gây nên.
Với sự nỗ lực của toàn xã hội, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 2,06%, Thu ngân sách địa phương vượt dự toán giao 11,2 %, tăng 0,7 % so 2019. Đây là mức tăng cao trong khu vực miền Trung nói chung. Bình quân trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ước đạt 6,09%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, mặc dù tăng trưởng GRDP thấp nhưng địa phương đã cơ bản thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì được phát triển kinh tế, bảo đảm các yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh, các mặt văn hóa xã hội an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chưa có trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong năm 2020.
Hiện nay cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới, Thừa Thiên - Huế xác định phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển kinh tế là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành.
Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Vừa triển khai các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đạt được nhiệm vụ trong 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên - Huế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để hoàn thành di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế trước năm 2022; Thông qua các chủ trương theo thẩm quyền để triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung cho Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, ban hành tiêu chí, Cơ chế đặc thù cho đô thị Thừa Thiên Huế nhằm thúc đẩy xây dựng Thừa Thiên - Huế sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những việc lớn trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Thừa Thiên - Huế mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, thiết thực cùng Thừa Thiên - Huế bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô, văn hóa Huế - văn hóa Việt Nam.
Thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam từng bước cải thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đón đầu và đón được những nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài thì Chính phủ cần có những quyết sách và cơ chế đặc thù cho thu hút đầu tư vượt trội so với các nước trong khu vực, nhằm thúc đẩy phát triển một số địa bàn trọng điểm trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
“Trước xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất nhằm tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương đánh giá chính sách thu hút đầu tư, hình thành chuỗi giá trị trong mối quan hệ kinh tế quốc phòng, kinh tế môi trường” ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp, cơ chế thúc đẩy phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đón đầu các cơ hội đầu tư , tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp phụ trợ đã có chủ trương như khu công nghiệp phụ trợ dệt may tại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, khu công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Quảng Nam,... Hỗ trợ Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài 4 nhằm tạo điều kiện thu hút chuỗi sản xuất của các nước về Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp nước nhà bền vững, chủ động trong tương lai.
Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần sớm kịp thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót, chưa rõ ràng, thậm chí không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nhằm tránh cho các cấp chính quyền cũng như nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro về pháp lý do thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản. Tạo lòng tin cho các doanh nghiệp cũng như sự tự tin của cơ quan chính quyền trong quá trình cấp phép đầu tư và tiếp cận đất đai.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước hành chính cần phải đi đầu - là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế. Phục vụ tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt” và quan trọng tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia.
HOÀNG NGHĨA