Ảnh minh họa.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức xuyên suốt, quyết liệt từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra quyết tâm chính trị của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân còn hạn chế…
Dự báo năm 2022 tình hình diễn biến khó lường trên mọi mặt, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, nhất là với trách nhiệm người đứng đầu. Đi kèm với đó là tổ chức thanh tra chuyên đề, chuyên ngành.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tập trung thanh tra các chương trình lớn như chương trình phòng, chống Covid-19; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; cổ phần hóa doanh nghiệp; xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; đầu tư công… và thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, quy hoạch, tài nguyên, môi trường, quy hoạch năng lượng, quản lý khoáng sản…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điển hình là những vụ án được dư luận quan tâm như vụ Việt Á.
Để giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội để có cơ sở dữ liệu và minh bạch hóa hoạt động. Đồng thời, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng và có biện pháp tốt hơn, bảo vệ người tố giác; phát hiện, nhân rộng những người dám nghĩ, dám làm.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị từ năm 2022, hàng tháng, hàng quý phải có báo cáo và tổ chức họp để kiểm điểm tình hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời vấn đề phát sinh.
Ý NHƯ
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ