(LSVN) - Trong 2 ngày cuối tuần, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud.đỉnh
Đây là lần đầu tiên một quốc gia Arab đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…
Trong hai ngày họp, các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững… Tuy nhiên, những mục tiêu này vẫn là những thách thức vô cùng lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Thách thức lớn nhất của Hội nghị Thượng đỉnh G20
Ứng phó với đại dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị lần này. Chính vì vậy, trong phiên khai mạc lãnh đạo các nước đều kêu gọi hợp tác để ứng phó với đại dịch, chia sẻ để tất cả mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng chống Covid-19 một cách công bằng với giá cả phù hợp. Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz cho rằng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 mà thế giới đang chứng kiến là chưa từng có, đồng thời ca ngợi vai trò của G20 trong việc đối đầu với đại dịch này. Quốc vương Abdulaziz nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế nhưng cần cố gắng để vượt qua thông qua hợp tác quốc tế và song phương.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường vào tháng 3 vừa qua, G20 đã cam kết phân bổ các nguồn lực khẩn cấp và đã đóng góp 21 tỉ USD cho các nỗ lực toàn cầu để giải quyết đại dịch này, đồng thời đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách bơm hơn 11.000 tỉ USD để hỗ trợ các cá nhân và công ty.
G20 cũng đã hỗ trợ các nước đang phát triển để giảm thiểu những tác động của đại dịch khi quan tâm tới bảo trợ xã hội và các nhóm có nguy cơ mất việc làm. Ưu tiên hiện nay là khuyến khích những tiến bộ đạt được trong việc tìm kiếm vaccine, phương pháp điều trị và công cụ chẩn đoán Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho phép mọi người đều được tiếp cận. Nga khẳng định sẵn sàng hợp tác và cung cấp vaccine cho các nước. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng các nước G20, đại diện cho 2/3 dân số thế giới và 80% nền kinh tế toàn cầu, có trách nhiệm đặc biệt trong ứng phó với đại dịch này.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng cho rằng các nước phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu và mở cửa lại nền kinh tế, biên giới để tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại và dân sự. Các nước G20 phải hỗ trợ cho các nước đang phát triển một cách đồng bộ để duy trì tiến độ phát triển đã đạt được trong những thập kỷ qua; tạo điều kiện để xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn bởi thương mại là động cơ quan trọng để phục hồi các nền kinh tế.
Vai trò của Saudi Arabia
Saudi Arabia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong bối cảnh có nhiều biến động như bầu cử Mỹ, cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ… Tuy nhiên, Saudi Arabia nước chủ tịch của G20 đã có thể đạt được những con số kỷ lục và thành tích chưa từng có trong nhiệm kỳ, trở thành quốc gia Arab đầu tiên dẫn đầu nhóm G20. Trong vai trò chủ tịch, Saudi Arabia đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhịp điệu của nền kinh tế thế giới và có những đóng góp hiệu quả vào việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Saudi Arabia đóng vai trò quyết định trong nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch Covid-19 nhằm đảm bảo cung cấp các phương tiện cần thiết để bảo vệ cuộc sống, sinh kế và bảo vệ nền kinh tế toàn cầu; thành công trong việc dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiến tới việc ký một nhóm thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nhà sản xuất ngoài OPEC do Nga dẫn đầu, nhằm góp phần khôi phục sự ổn định trên thị trường dầu vốn đã giảm mạnh kể từ giữa năm 2014. Trong vai trò chủ tịch G20, Saudi Arabia đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng và chưa từng có để bảo vệ cuộc sống, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương nhất.
G20 đã đóng góp gần 21 tỉ USD để hỗ trợ các hệ thống y tế, tìm kiếm vaccine và cung cấp hơn 14 tỉ USD để giảm bớt các khoản nợ của các nước đang phát triển và bơm khoảng 12.000 tỉ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu, tương đương với 4 lần những gì đã được bơm vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2018.
Dư luận khu vực về hội nghị
Dư luận cho rằng không nên nuôi hy vọng nhiều về sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc họp Thượng đỉnh G20 bởi nhóm này không phải là một cộng đồng các giá trị mà là một câu lạc bộ kinh tế. Do đó, các nước lớn tìm cách đối thoại và điều gắn kết họ là lợi ích ngay cả khi quan điểm khác nhau. Với vai trò của mình, Saudi Arabia đã tăng cường sự đồng thuận toàn cầu, hợp tác nhóm để giải quyết những thách thức trong tương lai. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh này cũng phản ánh vai trò then chốt quan trọng ở cấp khu vực và quốc tế.
Chủ tịch G20 nhận định khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ nhẹ hơn so với dự kiến trước đây và việc giúp đỡ các nước nghèo nhất là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, sự hợp tác này phải dựa vào vai trò của các tổ chức đa phương và hợp tác trong cộng đồng quốc tế để vượt quá những khó khăn, thách thức nhất là khi phải đối mặt với đại dịch.
Saudi Arabia cho rằng tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là chuẩn bị cho thế giới trong tương lai đối mặt với những thách thức tương tự. Hội nghị cũng sẽ không chỉ giới hạn ở những hậu quả của đại dịch mà còn hướng tới việc giảm thuế hải quan, giảm phát là nhờ các bước đi của G20 để bảo vệ nền kinh tế.
Nhóm cũng khẳng định về sự đóng góp đối với lĩnh vực y tế toàn cầu, phát triển các hệ thống y tế bền vững lấy con người làm trung tâm và cung cấp bảo hiểm y tế toàn diện. Thông qua hội nghị này các nước muốn tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế về các vấn đề kinh tế trong chương trình nghị sự trong đó quan trọng nhất là năng lượng, khí hậu, kinh tế kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
NGỌC THẠCH/VOV