Ảnh minh họa.
Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo đó, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
- Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức;
- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;
- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
- Khiếu kiện danh sách cử tri.
Luật Tố tụng hành chính 2015 tiếp tục sử dụng phương pháp loại trừ để quy định thẩm quyền xét xử của tòa án gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hầu hết các lĩnh vực của quản lí hành chính nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc xác định quyền khởi kiện các vụ án hành chính, đảm bảo công bằng cho người dân và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lí hành chính. Việc quy định theo phương pháp loại trừ trong trường hợp này là hợp lí và đảm bảo tính ổn định của điều luật. Điểm khác của Luật tố tụng hành chính 2015 là quy định rõ ràng hơn và bổ sung thêm trường hợp loại trừ về “việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khách quan.
Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
- Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.
Như vậy, xét về nội dung của những quy định nêu trên thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh kế thừa gần như toàn bộ so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Theo đó Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm đối với phần lớn các khiếu kiện không thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của Tòa án cấp huyện; đối với những khiếu kiện có người bị kiện ở Trung ương thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án có cùng phạm vi địa giới hành chính với người khởi kiện.
Ngoài ra, Luật Tố tụng hành chính không chỉ căn cứ vào dấu hiệu về địa giới hành chính của người bị kiện mà còn căn cứ vào dấu hiệu về nơi ban hành quyết định hay thực hiện hành vi bị khiếu kiện để xác định phạm vi các khiếu kiện thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của mỗi Tòa án trong cùng một cấp.
Để thực hiện Luật tố tụng hành chính, Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội quy định đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết.
Luật Tố tụng hành chính 2015 ra đời đã tạo ra một bước tiến mới cho sự phát triển pháp luật tố tụng hành chính, tuy nhiên để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và cơ quan tổ chức thực thi hiệu quả, nhanh chóng cần đánh giá một khách quan, toàn diện quy định pháp luật, đặc biệt chú trọng quy định về mặt thẩm quyền - một nội dung quan trọng của Tố tụng hành chính để từ đó kịp thời hướng dẫn, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lí hành chính Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đảm bảo công bằng, dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
THANH THANH
Tung tin giả về Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời: Hành vi rất đáng lên án, cần xử lý nghiêm