/ Thư viện pháp luật
/ Thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp

Thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp

12/07/2023 19:41 |

(LSVN) – Vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có Quyết định 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong đó, tại Điều 11 quy chế nêu rõ về thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp.


Ảnh minh họa.

Cụ thể, thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự; khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện Kiểm sát phê chuẩn; khiếu nại kết quả giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cán bộ điều tra, Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; khiếu nại kết quả giải quyết của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự, được thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Bộ luật Tố tụng dân sự gồm: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thủ tục phá sản.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Tố tụng hành chính, gồm: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Thi hành án hình sự, gồm: Khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân; khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, gồm: Khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong kiểm sát thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án hành chính, kiểm sát thi hành án theo thủ tục phá sản, kiểm sát thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, kiểm sát thủ tục xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và pháp luật khác có liên quan.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện Kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:

- Khiếu nại hành vi, quyết định của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp nào do Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp đó giải quyết. Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết mà khiếu nại tiếp, thì Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện Kiểm sát cấp trên là quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

- Khiếu nại hành vi, quyết định của Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp dưới do Viện Kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện Kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

- Trong mọi trường hợp, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực tương ứng.

Quy chế này quy định về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý và quản lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát; kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Viện Kiểm sát; giải quyết đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu không có nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.

DUY ANH

Bộ Công an cảnh báo ma túy 'núp bóng' các loại nước giải khát và thực phẩm chức năng

Bùi Thị Thanh Loan