Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm một số nội dung. Các ý kiến tại cuộc họp đều khẳng định, sau 2 tháng thực hiện, thực tiễn đã chứng minh việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ là đúng hướng, sát thực tế, kịp thời, hiệu quả, chúng ta đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch, cần tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Các trường học từng bước được mở cửa trở lại bằng việc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, bố trí các buổi học phù hợp...
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Việc hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, còn rất lớn. Công tác bảo đảm an xinh xã hội cần tiếp tục được rà soát. Cần cố gắng hơn nữa trong việc khôi phục thị trường lao động, khắc phục thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu công nghiệp lớn. Còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vaccine của chủng mới Omicron và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.
Một mục tiêu quan trọng khác là về tiêm vaccine. Cụ thể, phấn đấu tới 15/12 và chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 128 theo đúng tinh thần an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phù hợp diễn biến, tình hình theo từng thời kỳ và từng biến chủng. Kiên trì thực hiện nhất quán trên toàn quốc các quy định của Nghị quyết 128, kiên trì thực hiện 3 trụ cột trong phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Bộ Y tế hướng dẫn về việc tự xét nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không được ban hành các biện pháp trái quy định của Trung ương, nếu triển khai các quy định khác với nguyên lý chung hoặc nếu thấy các biện pháp của Trung ương không phù hợp tình hình thực tiễn thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo Trung ương để bổ sung, điều chỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương “luôn luôn mở” về điều này. Ông cũng lưu ý, bên cạnh những được địa phương được doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao thì vẫn còn một số địa phương triển khai các quy định không phù hợp, nhất quán.
Thứ ba, thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine để đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vaccine, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vaccine, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật, ví dụ nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền. Không để thiếu vaccine và lực lượng tiêm vaccine”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương rà soát, tiêm ngay cho các đối tượng chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vaccine, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời...
Thứ tư, phải có kế hoạch cụ thể về bảo đảm cung ứng thuốc điều trị, các địa phương đề xuất, Bộ Y tế tổng hợp, tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Triển khai ngay các cơ chế, chính sách liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý để đáp ứng ngay nhu cầu thuốc điều trị cho nhân dân, nghiên cứu xã hội hóa việc cung ứng thuốc, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm...
Thứ năm, các địa phương cân đối nguồn lực để tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; Bộ Y tế, chủ động triển khai các công việc theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền nếu cần thiết. Cùng với phòng chống dịch, phải bảo đảm việc khám chữa các loại bệnh khác cho nhân dân.
Thứ sáu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý những nơi làm không tốt, làm không đúng; dứt khoát không để ai thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chăm sóc y tế khi cần. Cùng với đó, tiếp tục khôi phục thị trường lao động và đề xuất chính sách phù hợp với lực lượng tuyến đầu...
Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch truyền thông chủ động, kịp thời, đi trước một bước, bảo đảm đa dạng, phong phú, linh hoạt; dứt khoát không để khủng hoảng truyền thông; sớm hoàn thiện về công nghệ trong phòng, chống dịch bởi “không có thời cơ nào thúc đẩy chuyển đổi số nhanh như lúc này”. Các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan xử lý các kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Bộ Tài chính cân đối nguồn lực để hỗ trợ ngay những nơi quá khó khăn trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, tránh tiêu cực, lãng phí.
NGỌC ANH
Công tác ngoại giao vaccine Covid-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh