Anh Đang quê ở xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một thanh niên vùng biển khỏe mạnh, cần cù, chịu khó, được giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, anh bắn súng tư thế nào cũng giỏi.
Tặng quà cho chị Nguyễn Thị Xuyến, nạn nhân chất độc da cam, con thương binh Nguyễn Văn Long nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Đơn vị nhận được lệnh lên đường đi chiến đấu Chiến dịch mùa Xuân 1975, Đang hăng hái tham gia. Lệnh tấn công TP. Huế bắt đầu, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào cao điểm Khe Thai, mở đường xuống TP. Huế. Địch chống trả quyết liệt, chúng cho pháo binh bắn cấp tập vào đội hình, cho xe tăng yểm trợ. Đây là điểm huyết mạch mở đường xuống TP. Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ phải chiếm được cao điểm, chốt giữ để cho mũi tiến công chủ yếu tiến vào thành phố.
Đồng chí Đang dùng súng B40 tiêu diệt lô cốt thứ nhất, rồi lô cốt thứ 2, cánh cửa đánh vào trung tâm cao điểm mở toang. Trong lúc đơn vị xung phong chiếm cao điểm, đồng chí Đang bị một viên đạn xuyên qua ngực. Nhìn Đang ôm khẩu súng B40 từ từ ngã xuống trong lúc chúng ta chiếm cao điểm, các đồng đội thương xót đồng chí vô cùng. Cả đại đội quyết tâm trả thù cho Đang. Đồng chí Tòng, Đại đội trưởng vuốt mặt cho Đang rồi nói: “Em ơi! Anh thương em vô cùng. Em ra đi trong lúc chiến dịch mới bắt đầu, đồng đội sẽ bắt kẻ thù đền tội. Anh em mình chia tay nhau em nhé”.
Tòng quê ở phố Hàng Đào (Hà Nội), tôi và Tòng chơi với nhau rất thân. Tòng là một chàng trai Hà Nội thư sinh, rất thông minh, anh có người yêu tên là Thịnh,l. Thường ngày, Tòng hay đưa ảnh Thịnh ra khoe với tôi. Còn Thịnh là một nữ sinh Hà Thành thùy mị, có khuôn mặt trái xoan. Thịnh chờ Tòng về phép là tổ chức lễ cưới. Nhưng lễ thành hôn của hai người chưa được tổ chức thì Chiến dịch mùa Xuân 1975 bắt đầu. Anh em chúng tôi cùng đoàn quân ra trận, giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc.
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, cán bộ, chiến sĩ ai cũng vô cùng phấn khởi bởi đây là trận chiến cuối cùng, non sông thu về một mối, nhất định mình sẽ có mặt ở thành phố mang tên Bác.
Tòng là Đại đội trưởng trinh sát nên luôn đi đầu, khoảng hơn 09 giờ sáng ngày 30/4/1975, đơn vị của Tòng tiến đến sát sông Sài Gòn. Khoảng hơn 10 giờ, Tòng trực tiếp đưa các đồng chí chỉ huy qua sông Cát Lái. Lúc đó, trên sông có 02 chiếc tàu thủy của địch đã kéo cờ trắng đầu hàng. Tòng cùng anh em trong Đại đội trinh sát cho rằng, chúng kéo cờ trắng thì không chống lại nữa. Không ngờ, khi quân ta vượt sông thì trong tàu chúng nổ súng. Tòng bị trúng đạn hy sinh. Ngay lập tức, các đồng chí chỉ huy cho anh em tiêu diệt ngay hai chiếc tàu thủy của địch. Tôi đau đớn, thương bạn vô cùng, một người lính trinh sát tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Tòng hy sinh trước giờ chiến thắng. Đến nay, gần 50 năm, tôi không sao quên được Tòng.
Đặng Đình Hải, con trai Đại tá Đặng Đình Hồ. Ông Đặng Đình Hồ, một người lính đánh giặc nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là một trong những người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của quân đội ta. Chiến dịch biên giới Tây Nam nổ ra, Đặng Đình Hải từ Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn 304, anh xin xuống đơn vị chiến đấu. Khi quân ta mở đường qua kênh Vĩnh Tế đánh quân PonPot cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng, đơn vị đánh mở đường bị địch chống cự quyết liệt. Trên điều đơn vị Hải lên chi viện, Hải chỉ huy anh em mở các mũi đánh vu hồi vào hai sườn địch. Địch bị động, đối phó không được nên thất bại. Cửa mở cho quân ta vượt qua kênh Vĩnh Tế tiến vào giải phóng Campuchia. Tuy nhiên, trong lúc chỉ huy đơn vị tiến lên Hải bị một viên đạn 12,8 ly găm vào tim. Trước khi Hải hy sinh đã nhờ tôi nói với bố, Đại tá Đặng Đình Hồ rằng mình đã làm tròn những gì bố dặn, xứng đáng đứa con ngoan của bố. Hải cũng nhờ tôi nói lại với vợ anh là Thu đi bước nữa, tìm một người tốt nương tựa; nói với con gái anh rằng anh ra đi vì đất nước, không quên căn dặn con gái luôn nghe lời ông, bà và mẹ, chăm ngoan học giỏi. Nói đến đây, Hải liền ra đi. Tôi đã khóc, đồng đội của Hải cũng khóc.
May mắn khi chiến tranh kết thúc tôi còn sống trở về, bản thân tôi, đồng đội của tôi, gia đình của những anh em đã ra đi vì đất nước vẫn còn đó những khó khăn. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7 và Tết Nguyên đán tôi lại nhờ các mạnh thường quân, nhờ các doanh nghiệp ủng hộ để trao tặng những món quà tới các đồng đội bị thương trong chiến tranh, tới các con em của đồng đội mình bị chất độc da cam.
Tôi bắt gặp nhiều và rất nhiều hình ảnh vô cùng đau lòng. Chúng tôi đã từng cùng Hội Chất độc da cam TP. Vinh đến trao quà cho 01 gia đình ở phường Lê Mao. Hình ảnh làm tôi không cầm được nước mắt khi hai cha con bị xích trong phòng, quần áo, chăn màn, khi cơn lên là xé hết. Thiết nghĩ, chỉ một món quà gửi tới tay các em trong ngày Tết thật nhỏ nhoi.
Tặng quà cho cháu Trần Đức Duy, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3.
Cháu Trần Đức Duy, thôn Linh Tân, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, năm nay mới 5 tuổi, là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, không được hưởng một chế độ trợ cấp nào. Cháu bị ủng thủy não, không đi lại được. Gia đình cháu vô cùng khó khăn, bố bị chất độc gia cam thế hệ thứ 2, chân tay bị khèo, di chuyển phải bò, mẹ bị tâm thần. Gia đình 5 người chỉ nhờ vào chế độ trợ cấp chất độc da cam 1.600.000đồng/tháng. Đến thăm gia đình cháu chúng tôi cứ bần thần, cuộc chiến tranh này tàn khốc quá. Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng hậu quả còn rất nặng nề.
Em Đặng Thị Như Quỳnh, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, cũng không được hưởng chế độ trợ cấp nào. Cha em cũng là nạn nhân chất độc da cam, còn mẹ em đã bỏ cha con đi. Cả gia đình ba cha con chỉ sống nhờ chế độ chất độc da cam 1.600.000 đồng/tháng.
Tặng quà cho cháu Trần Đức Duy, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3.
Mấy năm đi làm từ thiện tôi bắt gặp nhiều và rất nhiều nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tôi vẫn nhớ không thể nào quên người mẹ ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, mái tóc bạc phơ, già yếu, đôi tay run run bón cháo cho cô con gái đã gần 40 tuổi do bị ảnh hưởng chất độc da cam nằm một chỗ, mỗi thìa cháo bà phải lại dỗ dành con gái như đứa trẻ mới biết ăn. Mọi sinh hoạt cá nhân của con gần 40 năm nay đều do bà làm cả. Khi chúng tôi đến, bà không một lời kêu ca, phàn nàn, trách móc, mong muốn duy nhất của bà là trời cho được sống lâu để chăm cho con. Nỗi lo sợ nhất của bà là nếu mình mất đi, ai sẽ chăm lo cho con gái mình. Nhìn vào tấm gương của bà, chúng tôi lại nói với nhau, ít có đất nước nào có đức tính hy sinh cao cả như người mẹ Việt Nam, âm thầm chịu đựng, chịu thương, chịu khó, lo cho chồng, cho con.
Rất tiếc, nhiều gia đình không muốn đưa tên tuổi mình, con mình lên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ cho rằng, cuộc chiến chống Mỹ vô cùng tàn khốc, cả dân tộc đều phải gánh chịu hậu quả, đâu phải mỗi gia đình mình. Một người mẹ ở phường Bến Thủy, TP. Vinh, Nghệ An, có cậu con trai rất thông minh đang học Đại học Bách Khoa năm thứ 3. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, anh đau đầu chóng mặt, không thể học được nữa. Về nhà một thời gian anh nằm một chỗ không đi lại được, đầu to dần ra, mọi sinh hoạt phải nhờ người trong gia đình giúp. Thời điểm chúng tôi đến, biết anh không còn sống được bao lâu nữa, chất độc da cam sắp lấy đi một người giỏi, có ích cho đất nước. Khi chúng tôi về, người nhà anh vẫn dặn đi dặn lại, nếu có viết báo xin đừng nêu tên gia đình và tên anh. Nghe vậy, trong đoàn ai cũng bùi ngùi, xúc động, mới thấu hiểu sự chịu đựng của người mẹ trong những năm tháng là vô cùng lớn.
Hiện nay, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độc chất độc da cam, tôi mong Nhà nước sớm có chế độ cho những người này, mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp quan tâm giúp đỡ để những gia đình nạn nhân chất độc gia cam, gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ vơi đi những khó khăn, vất vả.
HẢI HƯNG