Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá phát triển kinh tế 9 tháng đầu năm, bàn giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh Báo Thanh Hóa).
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,73%. Trong đó, nông, lâm ngư nghiệp, thủy sản tăng 3,75%, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,54 %, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng, hoặc bằng cùng kỳ năm trước. Doanh thu các dịch vụ, doanh thu hàng hóa bán lẻ tăng 14,2%.
Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác quảng bá, liên doanh liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm du lịch, nên du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa ngày một đông. Tổng lượng khách du lịch 9 tháng đầu năm tăng 12,4%, doanh thu tăng 18,9%. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tăng cường lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách. Nhờ vậy, vận chuyển hàng hóa từ đầu năm đến nay tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu ngân sách ước đạt 28.728 tỉ đồng, bằng 81% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 17.638 tỉ đồng, bằng 81% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 11.090 tỉ đồng, bằng 82% dự toán. Toàn tỉnh huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 103.190 tỉ đồng, bằng 73,7% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Khu kinh tế Nghi Sơn một đầu tàu phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa (Ảnh tư liệu).
Trong tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thông mới (NTM), 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.
Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực nên từ đầu năm đến nay Thanh Hóa thu hút được một lượng dự án khá lớn.
Tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 ở mức cao nhất. Nhiệm vụ quý IV hết sức nặng nề, thời gian không còn nhiều nên các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh bám sát vào chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả cao để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ. Trước mắt, xác định nội dung công việc 3 tháng cuối năm, từ đó phân công trách nhiệm, cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân, đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên thực hiện bằng được các chỉ tiêu của năm.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, để phát triển sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng vụ Thu, tạo quỹ đất để sản xuất vụ Đông, chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho sản xuất vụ Xuân năm 2024. Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chuẩn bị các tình huống xử lý có hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra ở diện hẹp, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi ổn định. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch.
Các doanh nghiệp Thanh Hóa đang chạy đua với thời gian hoàn thành chỉ tiêu trong năm (Ảnh tư liệu).
Về công nghiệp, xây dựng đẩy nhanh các dự án trọng điểm, khẩn trương đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện cho khu kinh tế Nghi Sơn và khu công nghiệp phía Tây huyện Hoằng Hóa để thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế Nghi Sơn.
Ngành Công thương chuẩn bị chương trình kích cầu hoạt động người Việt dùng hàng Việt trong những tháng còn lại năm 2023.
Ngành Tài nguyên và Môi trường lên kế hoạch thanh, kiểm tra việc sử dụng đất, quyết liệt trong việc xử lý sai phạm chủ trương đầu tư đất, chậm tiến độ trong việc triển khai hạ tầng dự án theo kế hoạch.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên giải ngân dứt điểm nguồn vốn chuyển tiếp năm 2022. Tăng cường các giải pháp thu ngân sách, hoàn thành vượt mục tiêu 10% dự toán.
HẢI HƯNG