/ Pháp luật - Đời sống
/ Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm sai phạm của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan

Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm sai phạm của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan

20/07/2023 19:25 |

(LSVN) - Vi phạm Luật Đấu thầu đến nay được gần 10 tháng mà UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn có chưa có phương án xử lý dứt điểm đối với Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan. Cho đến một loạt công trình lớn ở Thanh Hóa như Phủ Trịnh, Lam Kinh do Công ty CP tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan của ông Hàn Tất Ngạn làm đơn vị tư vấn, thiết kế và đơn vị thi công là Công ty TNHH Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa đều gặp phải vấn đề điều chỉnh giá nhiều lần, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh tư vấn, thiết kế thi công xây dựng các hạng mục công trình… cần được làm rõ?

Nhà Tả Mạc thiết kế sai và đã bị tháo dỡ 02 bộ vì.

Gần 10 tháng không xử lý xong việc vi phạm Luật Đấu thầu

Như đã thông tin, gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (gói thầu) do Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư) có 02 Liên danh tham gia đấu thầu gồm: Liên danh Công ty CP Bảo tồn Di sản văn hoá kiến trúc Việt - Công ty CP Tư vấn và Đầu tư phát triển Bắc Sông Mã (Liên danh kiến trúc Việt-PV) và Liên danh nhà thầu Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan- Công ty CP Tư vấn thiết kế công trình văn hóa; Công ty CP Tu bổ di tích Huế; Công ty CP Mỹ thuật Trung ương; Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương Vinaremon và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thanh Hà (Liên danh kiến trúc cảnh quan-PV).

Báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 02/2023, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, ban đầu cả 02 Liên danh nói trên đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn chấm thầu nhận thấy trong E-HSĐXKT của 02 liên danh nhà thầu đều xuất hiện 02 nhân sự có tên là Phạm Văn Thiện và Trần Văn Tuấn, do đó đơn vị tư vấn đề nghị bên mời thầu - Chủ đầu tư làm rõ chi tiết này.

Quá trình làm rõ E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn thống nhất đánh giá về nhân sự Phạm Văn Thiện (nêu trong hồ sơ của Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan) rằng: trong thỏa thuận lao động ngày 02/01/2022 đã sử dụng chữ ký của ông Phạm Văn Thiện được lấy từ file PDF” không phải là do ông Phạm Văn Thiện ký là sai quy định.

Do vậy, đơn vị tư vấn là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Gia Vũ nhận thấy Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan huy động nhân sự trên là chưa có sự đồng ý của nhân sự.

Từ những lý do trên, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan thuộc Liên danh Kiến trúc cảnh quan đã không trung thực, vi phạm quy định tại điểm a, c, khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 (hành vi gian lận) và đề nghị xử lý theo khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (tức là “cấm tham gia hoạt động đấu thầu” từ 03 năm đến 05 năm) là chính xác.

Được tham vấn về vụ việc trên, ngày 23/02/2023, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nội dung này đã được Bộ KH&ĐT trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (https://www.mpi.gov.vn/Pages/t...), đề nghị Sở KH&ĐT tham khảo.

Tại trả lời trên, Bộ KH&ĐT đã nêu rõ: “Trường hợp nhà thầu tham dự thầu với tư cách nhà thầu liên danh và thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu thì tất cả các thành viên trong nhà thầu liên danh này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ”.

Cùng với đó, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Gia Vũ (đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu) vẫn khẳng định việc lập và phê duyệt E-HSMT đảm bảo theo quy định của pháp luật...; đã có hành vi không trung thực, cố tình làm giả hồ sơ, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu vì Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đã thừa nhận chữ ký nhân sự được cắt dán; việc huy động nhân sự chưa có sự đồng ý của bản thân người đó…

Cổng Phủ Từ thiết kế sai và nay đang nằm chỏng chơ giữa mưa, nắng.

Trong khi Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đang dính vào lùm xùm trong gói thầu liên quan đến bảo tồn, tu tạo Thành nhà Hồ nêu trên thì mới đây, ngày 04/5/2023, Công ty này lại được Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng ký quyết định phê duyệt trúng thầu tại gói thầu “Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án: Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh” với giá trị hơn 1,1 tỉ đồng

Điều bất thường ở chỗ, chỉ trước đó 3 tháng, tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, chính Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa đã cho rằng, “Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan thuộc liên danh Kiến trúc cảnh quan là không trung thực, vi phạm quy định tại điểm a, c, khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 và đề nghị xử lý theo khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 là chính xác”.

Thiết nghĩ để tránh dư luận kéo dài cũng như tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này, cũng như làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là vai trò của Chủ đầu tư trong vụ việc này.

Nhiều lần điều chỉnh thiết kế - thi công - dự toán?

 Đối với Dự án Tôn tạo khu Di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Nơi thờ các Chúa Trịnh ở Thanh Hóa). Năm 2015, Dự án: “Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ từ, trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan DTLS Phủ Trịnh” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số: 4363/QĐ-UBND ngày 29/10/2015. Tổng mức đầu tư: 289,942 tỉ đồng (giá trị xây lắp 132.267,5 tỉ đồng; giá trị tư vấn là 9.196,9 tỉ đồng).

Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa lại cho điều chỉnh Quy hoạch khu Di tích Phủ Trịnh tại Quyết định số: 1516/QĐ-UBND ngày 25/4/2019 mở rộng quy mô từ 3,84ha thành 13,06ha và đổi tên từ bảo tồn thành “tôn tạo” để bổ sung rất nhiều hạng mục công trình bên trong. Tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 211/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 là 756,326 tỉ đồng, theo nội dung Tờ trình thẩm định điều chỉnh Dự án số 220/TTr-UBND ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa (giá trị xây lắp 422.660 tỉ đồng; giá trị tư vấn là 20.626 tỉ đồng).

Nhà Hậu điện của Phủ từ thiết kế từ 01 bậc nay thành 08 bậc.

Đối với dự án Bảo tồn và Phỏng dựng Chính điện - Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. (Nơi thờ các vị Vua nhà Hậu Lê ở tỉnh Thanh Hóa). Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 13/9/2010. Tổng mức đầu tư: 114,844 tỉ đồng (giá trị xây lắp 91,65 tỉ đồng; giá trị thiết kế là 2,42 tỉ đồng); Quyết định 3424/QĐ-UBND ngày 28/9/2010. Tổng mức đầu tư: 134,568 tỉ đồng (giá trị xây lắp 108,981 tỉ đồng; giá trị tư vấn thiết kế là 5,195 tỉ đồng).

Năm 2014 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 4613/QĐ-UBND ngày 23/12/2014. Tổng mức đầu tư: 259,113 tỉ đồng (giá trị xây lắp 221,106 tỉ đồng; giá trị thiết kế là 9,241 tỉ đồng).

Năm 2020 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 25/02/2020. Tổng mức đầu tư: 259,113 tỉ đồng (giá trị xây lắp 241,066 tỉ đồng; giá trị thiết kế là 9,656 tỉ đồng).

Dư luận đặt câu hỏi: qua mỗi đợt điều chỉnh thiết kế của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan và thi công của Công ty TNHH Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa cùng dự toán của Chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa cùng Ban QLDA công trình văn hóa Thanh Hóa trình các cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh thiết kế - dự toán nhiều lần để tăng giá trị xây lắp và giá trị thiết kế lên rất cao. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ sự điều chỉnh này là thật sự cần thiết hay có “lợi ích nhóm” trong việc này?

HOÀNG VŨ

TP. Vinh, Nghệ An: Làm rõ việc xác nhận giấy nguồn gốc đất chậm, không đủ nội dung

Nguyễn Hoàng Lâm