Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quyết định cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định, đây là quy hoạch hoàn toàn mới, với khối lượng công việc rất lớn, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực; trong khi tại thời điểm lập quy hoạch, các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được lập song hành, cùng với những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho công tác lập quy hoạch của tỉnh.
Song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, đặc biệt là sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ quan, đơn vị, địa phương đến nay quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra và là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. Và đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Đây là mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thì chúng ta mới thực hiện được.
Tiếp theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã công bố Quyết định số 153 ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Quy hoạch tỉnh được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại. Trên cơ sở kế thừa quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh tại Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. Và đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày tóm tắt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp đó, ngày 17/3/2023, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại và là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Về phát triển ngành, lĩnh vực, Thanh Hoá sẽ tập trung phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, xem đó là trụ cột phát triển. Trong đó, đáng chú ý có 2 lĩnh vực là công nghiệp và du lịch. Với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với du lịch, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Với ngành dịch vụ tập trung phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; phương án phát triển hạ tầng thương mại; phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; phương án phát triển các khu xử lý chất thải; phương án phát triển hạ tầng xã hội,…
Về nhiệm vụ phát triển không gian lãnh thổ, quy hoạch này cũng đã đề ra phương án quy hoạch xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế.
THẾ TOÀN