(LSO) - Ngày 24/8, TAND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) mở phiên xét xử sơ thẩm bốn bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Những người này gồm Vũ Đức Cường (nguyên Bí thư phường Đông Sơn), Dương Thị Hà (cựu Công chức địa chính phường Đông Sơn), Vũ Mạnh Quyến (cựu Phó bí thư chi bộ khu phố Đông Thôn, phường Đông Sơn) và Nguyễn Văn Kỳ (lao động tự do).
Lập hồ sơ khống để lấy tiền bồi thường
Theo cáo trạng, khi giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn), UBND thị xã đã thành lập một tổ công tác để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, ông Vũ Đức Cường (khi đó còn làm Chủ tịch phường làm Tổ trưởng, nay là Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn) cùng một số cán bộ của phường làm Tổ phó và tổ viên. Những người trong Ban giải phóng mặt bằng đã lập hồ sơ khống và thành lập Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất cho những trường hợp không có đất trong phạm vi giải phóng để rút tiền ngân sách nhà nước.
Lợi dụng chức vụ được giao từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2015, Vũ Đức Cường là Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn và Dương Thị Hà là Công chức địa chính phường Đông Sơn, tổ viên Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn đã nhờ 3 hộ dân Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế đứng tên trên diện tích 4.293,9m2 để lập 3 hồ sơ khống gây thiệt hại cho Công ty TNHH Long Sơn số tiền 605.007.000 đồng.
Quá trình điều tra cho thấy, Vũ Mạnh Quyến và Vũ Văn Kỳ mặc dù không có đất nhưng do nể nang Vũ Đức Cường nên đồng ý giúp Cường ký hồ sơ và nhận tiền bồi thường. Cụ thể Vũ Mạnh Quyến nhận số tiền 195.000.000 đồng, Nguyễn Văn Kỳ nhận số tiền 181.831.000 đồng.
Cơ quan tố tụng xác định Vũ Đức Cường giữ vai trò chính, Dương Thị Hà là đồng phạm, thực hiện tích cực. Còn Vũ Mạnh Quyến và Nguyễn Văn Kỳ có vai trò giúp sức cho Cường và Hà.
Trước đó, thấy có dấu hiệu bất thường trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng tại phường Đông Sơn nên người dân đã tố cáo tới Cơ quan chức năng. Đầu năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Dương Thị Hà, cán bộ địa chính UBND phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (thời điểm trước bị can Hà là cán bộ địa chính phường Đông Sơn).
Ngày18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn cũng ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Vũ Đức Cường, Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, để điều tra, làm rõ.
Ngày 24/8, TAND Bỉm Sơn đã tiến hành kiểm tra nhân thân, xét hỏi các bị cáo. Phiên tòa dự kiến kéo dài tới ngày 26/8.
Không đồng tình với cáo trạng
Tại tòa, Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà không đồng tình với cáo trạng của VKS đã nêu. Theo đó, bị cáo Cường liên tục kêu oan, nói trong hai năm qua đã gửi hàng trăm lá đơn đến rất nhiều cơ quan tỉnh Thanh Hóa cũng như trung ương nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Bị cáo cho rằng hồ sơ của ba hộ dân lập vào tháng 06/2015, trong khi từ ngày 19/5/2015 bị cáo đã được miễn nhiệm chủ tịch UBND để giữ chức bí thư đảng ủy phường nên không còn chức vụ và quyền hạn trong việc lập hồ sơ GPMB.
Cựu chủ tịch phường còn nói biên bản hội nghị xét nguồn gốc sử dụng đất của các hộ ngày 19/3/2015 mà công an thu thập để làm căn cứ buộc tội là bản phôtô, không có dấu giáp lai, hoàn toàn có thể bị làm giả. “Hồ sơ tôi ký báo cáo thị xã đều có dấu đỏ và đóng dấu giáp lai”, lời bị cáo.
Theo bị cáo Cường, tháng 04/2015, trong số 49 hộ dân nằm trong danh sách, tổ công tác đã lập dự toán cho 44 hộ, năm hộ còn lại (bao gồm ba hộ mà cáo trạng nêu) do chưa đủ điều kiện nên phải dừng. Đến khi bị cáo thôi giữ chức chủ tịch phường, tổ công tác vẫn chưa kiểm kê khối lượng bồi thường cho năm hộ này.
“Ba hộ không có đất mà vẫn được lập hồ sơ GPMB là sai. Trách nhiệm thuộc về ai ký vào các văn bản, hồ sơ gây thiệt hại cho Công ty Long Sơn, bị cáo không có trách nhiệm gì”, bị cáo Cường nói.
Tương tự, bị cáo Hà cũng khai đã làm hết trách nhiệm được giao. Tại thời điểm lập hồ sơ, bị cáo xác định ba hộ trên đều có đất thuộc dự án, đã niêm yết danh sách công khai và không có ai thắc mắc gì. Nữ bị cáo bác bỏ việc nhận tiền từ các hộ dân, cho rằng cơ quan tố tụng không đưa ra được chứng cứ trực tiếp nào chứng minh cho cáo buộc này.
Cựu cán bộ địa chính còn đề nghị HĐXX trưng cầu giám định danh sách về các hộ dân được bồi thường mà cơ quan điều tra thu thập bởi đây chỉ là bản photo, không có chữ ký của bị cáo, hoàn toàn có thể bị làm giả.
Hôm nay (25/8), phiên tòa tiếp tục.
Các bị cáo khai mâu thuẫn nhau Trước HĐXX, hai bị cáo Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và bà Nguyễn Thị Quế thừa nhận không có đất thuộc dự án, lý do ký vào hồ sơ là vì được Vũ Đức Cường gọi điện thoại nhờ, sau đó Dương Thị Hà hướng dẫn ký. Cả ba đều khai đã ký vào rất nhiều văn bản nhưng không nhớ cụ thể ký vào ngày nào, ở đâu và giấy tờ gì. Ngược lại, hai bị cáo Cường và Hà phủ nhận, cho rằng tất cả lời khai trên là sai sự thật, vu khống mình. Bị cáo Cường khẳng định trong thời gian còn giữ chức chủ tịch phường không có cuộc gọi đi/đến nào với các hộ dân, điều này được chứng minh theo công văn của Trung tâm Kinh doanh VNPT Thanh Hóa. Sau này, khi đã làm Bí thư phường, bị cáo có gọi cho Quyến và Kỳ nhưng nội dung không phải về GPMB, vì không còn quyền hạn gì liên quan. Cựu Chủ tịch phường đề nghị HĐXX làm rõ lời khai của các bị cáo về việc ký vào các văn bản ở đâu, ký những hồ sơ gì… |
LÂM HOÀNG(t/h)