Ảnh minh họa.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 quy định: “Đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức…”.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 06/5/2022 đã giao nhiệm vụ cho Liên đoàn nhiệm vụ: “tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, liêm chính, trong sạch của đội ngũ Luật sư...”. Luật Luật sư, văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, yêu cầu về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Trong đó có nhiều nội dung pháp luật giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Điều đó được thể hiện rõ trong Chủ đề Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 3: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn…”.
Điều 16 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III quy định: “Ban chuyên môn về đạo đức nghề nghiệp Luật sư được thành lập và hoạt động theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.
Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là cơ quan trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam được giao thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ quyền hạn gồm:
1. Rà soát, thống kê, đánh giá, báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc việc thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam của Luật sư thành viên. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, tham mưu xây dựng quy chế, quy định trong lĩnh vực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam phù hợp với yêu cầu hoạt động hành nghề của Luật sư và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư.
2. Tham mưu cho Ban Thường vụ Liên đoàn giải thích, hướng dẫn Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Giải đáp những nội dung còn có nhận thức chưa thống nhất để thực hiện Bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam theo yêu cầu của Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn, đề nghị của các Đoàn Luật sư và các Luật sư thành viên.
3. Phối hợp tham gia công tác bồi dưỡng Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư theo yêu cầu của Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn, đề nghị của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư.
4. Xây dựng đề án tôn vinh Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư tiêu biểu trình Ban Thường vụ Liên đoàn và Hội đồng Luật sư toàn quốc.
5. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Đề xuất và phối hợp tham gia thực hiện việc hợp tác quốc tế về việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam và các nước trên thế giới.
6. Phối hợp các Cơ quan, đơn vị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
7. Tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc trong việc trao đổi, phối hợp với các Cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương về những nội dung liên quan đến việc thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
8. Tham gia và phối hợp tham gia tổ chức nghiên cứu khoa học, hội thảo, hội nghị, tọa đàm liên quan đến đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
9. Tham mưu cho Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc về những nội dung liên quan đến đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khi Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc yêu cầu. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khi được Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn giao.
10. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác để triển khai chức năng của Ban có hiệu quả.
Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm nhân sự của Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam gồm 09 thành viên. Trong đó giao Luật sư Trần Văn An, Ủy Viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Trưởng Ban.
Với quyết tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sự đồng thuận của giới Luật sư, tinh thần trách nhiệm của các thành viên. Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công công tác cho các thành viên và hy vọng trong thời gian tới Ban sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định, nâng cao các giá trị chuẩn mực của nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Đăng ký đại biểu tham dự Đại hội đại biểu bất thường Đoàn Luật sư TP. Hà Nội