Thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum thành lập ngày 09/02/1913. Trong giai đoạn kháng chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai đã được sát nhập, để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng. sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai, Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên là tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi mới thành lập lại tỉnh, đời sống Nhân dân trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, quyết tâm củng cố, xây dựng tỉnh phát triển theo bước đi chung của cả nước.
Sau hơn 30 năm thành lập, tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, thành tựu nổi bật trước hết là về phát triển kinh tế dần chuyển dịch theo hướng hiện đại. Từ chỗ cơ cấu kinh tế mà tỷ trọng nông, lâm nghiệp trong GDP chiếm 67,3%; công nghiệp, xây dựng 7,4%; thương mại, dịch vụ 25,3% vào năm 1991.
Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bao năm chung sức, đồng lòng xây dựng thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến nay đã phát triển kinh tế xã hội và đạt được những kết quả tích cực nhất.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm gần đây đạt 13,32%; cơ cấu kinh tế thành phố phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản theo kế hoạch đã đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,33%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị là 66,75%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 29,07 m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt 96,3%. Các đường phố chính được chiếu sáng 100%; tỷ lệ khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt 69,64%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bản thành phố đạt 100%; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,2%...
Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố Kon Tum đạt tiêu chí đô thị loại II với hầu hết các tiêu chuẩn đã đạt được và có những tiêu chí vượt mức tối đa. Việc công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II sẽ tạo động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
PHẠM THÀNH