/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Thành Tân Sở nơi lưu giữ dấu tích lịch sử hào hùng dưới thời vua Hàm Nghi

Thành Tân Sở nơi lưu giữ dấu tích lịch sử hào hùng dưới thời vua Hàm Nghi

02/07/2021 17:31 |

(LSVN) - Những dấu tích của thành Tân Sở cùng hình ảnh vua Hàm Nghi là những kỷ niệm thiêng liêng, là niềm tự hào của nhân dân huyện Cam Lộ nói riêng và nhân dân tỉnh Quảng Trị nói chung. Bên cạnh đó, mảnh đất này còn là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Toàn cảnh Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và các chiến sĩ Cần Vương được xây dựng tại di tích quốc gia Tân Sở.

Thành Tân Sở điểm tựa vật chất và tinh thần to lớn dưới thời vua Hàm Nghi

Vào sáng ngày 05/7/1885 (23/5/Ất Dậu) sự thất bại trong cuộc tấn công quân Pháp của triều đình nhà Nguyễn ngay tại Kinh thành Huế đã dẫn đến cuộc hành trình của vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, mở đầu hành trình yêu nước của vị hoàng đế thiếu niên và châm ngòi cho phong trào Cần Vương chống Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước.

Rời Kinh thành Huế, đoàn hộ giá vua Hàm Nghi với chừng khoảng 1.000 người đã theo cửa Hữu đi về hướng Tây - Nam lên ngả chùa Linh Mụ để theo đường thượng đạo ra Quảng Trị. Dẫn đầu đoàn hộ giá là Đề đốc Trần Xuân Soạn, đoạn hậu có Nguyễn Văn Tường, Tả quân Hồ Văn Hiển chỉ huy khoảng 100 binh sĩ đi theo hộ vệ. Tôn Thất Thuyết cùng một đạo quân đi sau cùng để lo việc phá cầu Bạch Hổ, chặn cuộc truy kích của quân Pháp. Hành trình ra Quảng Trị của đoàn hộ giá vua Hàm Nghi hết sức vất vả, do phần lớn không quen đi bộ nên di chuyển chậm và phải nghỉ ngơi nhiều.

Đến chiều ngày 06/7/1885, vua Hàm Nghi mới đến đóng tại Hành cung trong thành Quảng Trị và lo xếp đặt quân lính phòng bị. Với quyết tâm kháng chiến và thực hiện kế hoạch định sẵn của triều đình Huế kể từ khi thiết lập hệ thống sơn phòng dọc các tỉnh miền Trung vào tháng 12/1883, ngày 09/7/1885, đoàn hộ tống vua Hàm Nghi với khoảng 500 người rời thành Quảng Trị đi lên thành Tân Sở tại Cam Lộ vào ngày 10/7/1885.

Tại Đền tưởng niệm các hiện vật dưới thời vua Hàm Nghi vẫn được lưu giữ cẩn thận.

Theo kế hoạch của triều đình Huế, thành Tân Sở ở Cam Lộ là Kinh đô dự phòng, được khởi công xây dựng từ năm 1883. Khi đưa vua Hàm Nghi lên đóng quân tại đây, Tôn Thất Thuyết đã chấn chỉnh lại đội ngũ tướng sĩ và vạch kế hoạch cho cuộc chiến đấu lâu dài. Đến ngày 11/7/1885, vua Hàm Nghi nhận được một bức thư của phía Pháp từ Huế đề nghị nhà vua quay về trị vì trên ngai vàng như cũ dưới sự bảo trợ của Pháp; nhưng vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đã cự tuyệt.

Vua Hàm Nghi nhận thấy đã đến lúc cần phải động viên toàn thể quan lại, sĩ phu, binh lính cùng nhân dân tiến hành cuộc chiến đấu chống Pháp để giành lại giang sơn, nên vào ngày 13/7/1885, vua đã xuống Dụ Cần Vương ngay tại thành Tân Sở, yêu cầu thần dân khắp cả ba miền đứng lên chống Pháp. Từ Dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, khắp các vùng lãnh thổ Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng có khởi nghĩa nổ ra hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của nhà vua.

Trước sự gia tăng hành quân truy đuổi của quân Pháp và tay sai, đồng thời nhận thấy địa thế thành Tân Sở khá cách ly với dân cư đồng bằng Quảng Trị, việc vận lương và chiêu mộ binh sĩ khó khăn, rất dễ bị quân Pháp bao vây tiêu diệt; nên vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định ra vùng rừng núi Nghệ An - Hà Tĩnh để kháng chiến lâu dài.

Để thực hiện kế hoạch mới, Tôn Thất Thuyết phái người vượt sang Lào trước để lo tiếp tế gạo nước cho các đồn binh đóng rải rác, và cắt một toán quân đưa gia quyến cùng những người không đủ sức khỏe vượt núi ra vùng Nghệ An trước. Sau đó, ngày 18/7/1885, đại quân của vua Hàm Nghi bắt đầu rời Tân Sở tiến ra phía Bắc.

Đến ngày 20/7/1885, vua Hàm Nghi nhận được tin quân Pháp đã chiếm thành Đồng Hới từ 2h sáng để chặn đường, nên đại quân phải quay trở lại, và những ngày sau đó, đoàn quân tiếp tục di chuyển về Cam Lộ và có mặt tại thành Tân Sở vào ngày 22/7/1885.

Với âm mưu muốn bắt vua Hàm Nghi trở về Huế để làm vua bù nhìn cho mình, thực dân Pháp phái Trương Quang Đản đem 300 quân chia làm 2 cánh đuổi theo vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết. Để tránh khỏi bị rơi vào tay giặc, đoàn quân hộ giá vua Hàm Nghi đã rời khỏi Tân Sở ngày 26/7/1885, theo đường Mai Lĩnh lên ngả Đakrông để vượt núi sang Lào.

Cuộc chạy trốn của vua Hàm Nghi diễn ra nơi rừng rậm um tùm, núi non hiểm trở, không có đường giao thông lớn mà chỉ có những lối mòn nhỏ do đồng bào thiểu số đi lại tạo thành. Đoàn quân của vua Hàm Nghi qua suối vượt đèo rất gian nan, đến ngày 30/7/1885, vua Hàm Nghi đến Bạng Câu (một làng cách biên giới Lào chừng 30km) thì đụng đầu với đạo quân tay sai rượt đuổi do Đinh Tử Lượng chỉ huy. Hai bên dàn quân đánh nhau quyết liệt, nhưng do quân hộ giá của vua Hàm Nghi đánh trả mãnh liệt, nên buộc cánh quân của Đinh Tử Lượng phải rút lui.

Với sự rượt đuổi quyết liệt của quân Pháp, kể từ khi rời bỏ Kinh thành Huế để tổ chức các cuộc nổi dậy, nhằm giành lại nền độc lập, vua Hàm Nghi đã có sự gắn bó mang tính bước ngoặt lịch sử trong 27 ngày (từ 06/7/1885 đến 02/8/1885) với mảnh đất Quảng Trị.

Nhà vua đã đi qua đất Hải Lăng để ra đóng tại Hành cung trong thành Quảng Trị trên đất Triệu Phong; tiếp đó lên đóng đại bản doanh trên đất Cam Lộ với thành Tân Sở để phát động kháng chiến; rồi bôn ba theo ngả Gio Linh, Vĩnh Linh ra địa bàn phía Bắc bất thành; cuối cùng là lặn lội núi rừng ở Đakrông, Hướng Hóa để vượt sang đất Lào trong sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù.

Những dấu chân của vua Hàm Nghi, một phần do những ngẫu nhiên của lịch sử, đã để lại trên cả 6 huyện (nay là 8 huyện, thị, thành) của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, thành Tân Sở ở huyện Cam Lộ tuy được xem là một “Kinh thành phù du” theo cách gọi của người Pháp, vì vua Hàm Nghi chỉ đóng quân tại đây trong 16 ngày (từ ngày 10/7 đến 26/7/1885, trong đó có 4 ngày đại quân kéo ra Bắc rồi quay trở lại), nhưng từng giữ vai trò là điểm tựa vật chất và tinh thần to lớn cho vương triều Nguyễn trong suốt thời gian dài chuẩn bị chiến tranh với Pháp trước ngày Kinh đô Huế thất thủ (12/1883 - 7/1885).

Tên tuổi nhà vua Hàm Nghi đã gắn liền với mảnh đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Chính trong những ngày đầu gian khó tại thành Tân Sở, bằng mệnh lệnh yêu cầu mọi người dân đứng lên giúp vua giết giặc cứu nước, khôi phục giang sơn, vua Hàm Nghi đã phát động một cuộc kháng chiến rộng khắp trên mọi miền đất nước.

Long vị vua Hàm Nghi được rước từ Thế Miếu trong Đại nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở.

Lưu giữ những dấu tích lịch sử từ ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Ngày nay, để tưởng niệm và lưu giữ những dấu tích lịch sử, hình ảnh của vua Hàm Nghi, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã xây Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi ngay tại di tích thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Đây là nơi để chúng ta nhớ đến ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, đồng thời, góp phần dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay luôn biết tự hào về nền độc lập dân tộc và đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi được thiết kế, mô phỏng theo phong cách kiến trúc nhà Nguyễn. Sau quá trình xây dựng, đền được UBND tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ tổ chức khánh thành vào ngày 13/7/2020. Trước đó, ngày 12/7/2020, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở.

Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Đội hình rước long vị của vua xây dựng dựa trên mô hình rước vua, trong nghi thức cung đình triều Nguyễn.

Đến nay, Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương là nơi để người dân địa phương và khách du lịch đến tham quan, cùng chiêm ngưỡng lại những hình ảnh của Vua Hàm Nghi và những dấu tích lịch sử còn sót lại. Để tưởng nhớ ngày vua ban chiếu cần vương, kêu gọi nhân dân yêu nước đứng lên để lật đổ quân Pháp quyết tâm giành độc lập cho dân tộc. Lòng yêu nước từ thời vua Hàm Nghi là truyền thống tốt đẹp đáng tự hào mà đến nay mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn lưu giữ truyền thống quý giá đó.

Có dịp đến thăm Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi, chúng tôi được hiểu rõ hơn về mảnh đất ‘vua ở’ ngày xưa. Những dấu tích dưới thời vua Hàm Nghi vẫn được người dân và chính quyền địa phương bảo tồn và lưu giữ kĩ càng tại Đền tưởng niệm. Tới đây, giành một nén hương thành kính để tưởng niệm đến vua Hàm Nghi và các chiến sĩ Cần Vương, cùng tham quan những di vật còn sót lại để thấm nhuần hơn về công lao to lớn của ông cha ta ngày xưa.

HOÀNG NGHĨA

Trận đánh biến Tổng thống tương lai Truman trở thành kẻ tội đồ và người hùng

Lê Minh Hoàng