Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung được Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại Kế hoạch về công tác thanh tra năm 2023 vừa ban hành.
Theo đó, về thanh tra hành chính, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công vụ của tổ chức và cá nhân; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong lĩnh vực BHXH, năm 2023, toàn quốc tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ doanh nghiệp/đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp/đơn vị có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
Lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tập trung lĩnh vực sản xuất thép; hóa chất; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng nhiều máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Các đơn vị thuộc diện thanh tra như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty CP và các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết; Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen và các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết; Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên; Dự án xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Thanh tra lĩnh vực có nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động; sử dụng nhiều lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với lĩnh vực người có công, thanh tra việc xét duyệt, xác nhận hồ sơ bệnh binh, hồ sơ thương binh xác lập theo Thông tư liên tịch số 20; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng; thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong lĩnh vực trẻ em, thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội; kiểm tra, xác minh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức có sử dụng lao động chưa thành niên.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đối với các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ngành (phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, quản lý cai nghiện ma túy, giảm nghèo…), Bộ LĐ-TB&XH sẽ lựa chọn những vấn đề, nội dung gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.
Bộ cũng sẽ thực hiện giám sát hoạt động của tất cả các đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.
Căn cứ kế hoạch thanh tra năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các Sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 bảo đảm yêu cầu công tác quản lý Nhà nước của Sở và tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra.
HOÀNG NGUYÊN
Tăng mức hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo