/ Pháp luật - Đời sống
/ Thanh tra toàn diện công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Thanh tra toàn diện công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp

28/10/2023 18:59 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đã quyết định thanh tra toàn diện công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp vào kế hoạch thanh tra trong năm 2023.


Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp báo quý III/2023 của Bộ Tư pháp mới đây, trả lời báo chí liên quan đến vụ việc Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”,bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp để lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định tình hình của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Đồng thời, phân công một Phó giám đốc Trung tâm tạm thời điều hành hoạt động.

Đảng ủy Bộ Tư pháp đã có quyết định đình chỉ chức vụ Bí thư Chi bộ, đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ công tác và đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia với ông Hoàng Quốc Hùng theo quy định của pháp luật.

Theo bà Phan Thị Hồng Hà, trước khi ông Hoàng Quốc Hùng bị bắt, Bộ Tư pháp đã nắm được các thông tin liên quan công tác lý lịch tư pháp. Do đó, Bộ đã chủ động thanh tra toàn diện hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm với Chi ủy và ông Hoàng Quốc Hùng theo quy định của Đảng.

Qua sự việc này, theo bà Hà, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường những đơn vị trực thuộc kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp có tính tự chủ, phân quyền tương đối. Đồng thời có giải pháp để trong thời gian tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động, phòng ngừa vi phạm, sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Cho biết thêm về vấn đề này, bà Đỗ Thúy Lan, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia nêu rõhiện nay  chỉ có 154 thủ tục hành chính có quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp, nhưng trong rất nhiều lĩnh vực khác vẫn có yêu cầu người dân phải cấp phiếu này. Đây là sự lạm dụng, lĩnh vực này không cần thiết phải có nhưng các cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu người dân phải nộp.

Theo bà Lan, đang có sự hiểu không chính xác về khoản 3, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp. Cụ thể, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ mục đích quản lý nhân sự, nhưng thay vào đó họ lại yêu cầu người dân hoặc công chức, viên chức phải nộp Phiếu này. Do đó, phải tuyên truyền để nhận thức đúng về điều này, đặc biệt là nhiều tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để thực hiện các thủ tục, là lạm dụng quy định của pháp luật.

Đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia cho rằng cần nghiên cứu bổ sung chế tài đủ mạnh để xử lý, chấn chỉnh tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu người dân xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.

Hiện nay, theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gồm:

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

MAI HUỆ

Bộ Công an đảm bảo an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chip

Bùi Thị Thanh Loan