Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều ngày 24/6, với 414/416 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 99,5% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Theo Luật, tổ chức của TAND bao gồm: TANDTC; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND khu vực; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế; Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực. Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC không ít hơn 23 người và không quá 27 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án TANDTC là Thẩm phán TANDTC và các thẩm phán TANDTC.
Về cơ cấu tổ chức của TAND khu vực, Luật quy định bao gồm: các tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực. Căn cứ quy định này và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi TAND khu vực, Chánh án TANDTC quyết định việc tổ chức Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Chánh án TANDTC quyết định việc tổ chức Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổ chức của TAND khu vực cũng bao gồm bộ máy giúp việc; Chánh án TANDTC quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của TAND khu vực.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí cho biết TANDTC đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về 30 vấn đề.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật, làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp tại Trung tâm Tài chính quốc tế, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, TANDTC đã bổ sung nội dung về việc áp dụng pháp luật tại Tòa án chuyên biệt vào khoản 1 Điều 62 dự thảo Luật.
Việc giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện nhiệm vụ này và những vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt sẽ do Quốc hội quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm Tài chính quốc tế.
Đối với ý kiến liên quan đến trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ nghiệp vụ của TAND cấp tỉnh đối với TAND khu vực, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong quá trình tổ chức thực hiện, Chánh án TANDTC sẽ phân cấp cho Chánh án TAND cấp tỉnh trong công tác thanh tra công vụ, kiểm tra nghiệp vụ đối với các TAND khu vực.
Đồng thời, Chánh án TANDTC yêu cầu các tòa án tăng cường trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các thẩm phán, từ đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, vụ việc.