(LSVN) - Từ ngày 20-30/10, Ủy ban Chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) về hợp tác quốc tế trong các vấn đề về thuế đã tổ chức họp phiên thứ 21 dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 150 đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế.
Tại phiên họp này các chuyên gia đã đề cập rất nhiều các vấn đề quan trọng về chính sách và thuế quốc tế, như bổ sung sửa đổi mẫu hiệp định thuế của LHQ, xử lý tranh chấp thuế quốc tế, thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí, thuế đối với hoạt động viện trợ ODA, thuế với môi trường… Trong đó, chủ đề về thuế đối với thương mại điện tử đã tiếp tục nhận được sự quan tâm, trao đổi của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đa số các thành viên Ủy ban và đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều ủng hộ việc thu thuế đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. LHQ cần phải đưa điều khoản đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào mẫu hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để làm cơ sở pháp lý cho các nước thành viên đàm phán hiệp định thuế song phương trong giai đoạn tới, với mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển và đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế.
Tại diễn đàn này, đại diện của Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển đã và đang áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại, dịch vụ điện tử xuyên biên giới cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này. Hiện nay Tổng cục Thuế cũng đang tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung mẫu hiệp định tránh đánh thuế 2 lần của Việt Nam với các quốc gia theo hướng bổ sung điều khoản đánh thuế tại nguồn đối với thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới.
Thời gian vừa qua nhằm quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 năm 2019 đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động này theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, việc phối hợp phải trao đổi thông tin quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã quy định cụ thể nguyên tắc khai thuế, tính thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
MAI CHI/VGP