/ Tin thế giới
/ Thất bại trong cuộc chiến pháp lý, Tổng thống Trump tính kế duy trì ảnh hưởng với đảng Cộng hòa

Thất bại trong cuộc chiến pháp lý, Tổng thống Trump tính kế duy trì ảnh hưởng với đảng Cộng hòa

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Đội ngũ của ông Trump đang vạch ra tập hợp tất cả thành viên đảng Cộng hòa trên khắp đất nước ủng hộ Tổng thống và củng cố tầm ảnh hưởng của ông đối với đảng này.

Đội ngũ của ông Trump đang vạch ra tập hợp tất cả thành viên đảng Cộng hòa trên khắp đất nước ủng hộ Tổng thống và củng cố tầm ảnh hưởng của ông đối với đảng này. Ảnh: Reuters

Sau hơn một tháng khởi động cuộc chiến pháp lý, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như không còn cơ hội lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 khi các đơn kiện của ông liên tiếp bị nhiều tòa án cấp liên bang và cấp tiểu bang bác bỏ hoặc từ chối. Mới nhất ngày 11/2, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác vụ kiện của bang Texas nhằm đảo ngược kết quả tại 4 bang chiến địa.

Thử thách lòng trung thành

Tuy vậy, đội ngũ của ông đã vạch ra một chiến lược khác, đó là tập hợp tất cả thành viên đảng Cộng hòa trên khắp đất nước ủng hộ Tổng thống Trump và củng cố tầm ảnh hưởng của ông đối với đảng này ngay cả khi ông chuẩn bị rời Nhà Trắng.

Trong 6 tuần qua, ông Trump đã thử thách thành lòng trung thành của các thành viên đảng Cộng hòa khi khiến họ phải lựa chọn đứng về phía ông hay về phía truyền thông Mỹ công nhận chiến thắng của Joe Biden. Bằng việc ủng hộ công khai hay kéo dài sự im lặng trước nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump, đại đa số các thành viên Cộng hòa đã lựa chọn đứng về phía ông.

Gần 2/3 thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và tổng chưởng lý của 18 bang đã ký tên vào biên bản ủng hộ vụ kiện của bang Texas. Một số thành viên gợi nhắc đến cuộc nội chiến từng xảy ra tại Mỹ từ năm 1861 đến 1865 để bày tỏ sự ủng hộ với điều mà họ cho là “cuộc chiến chính nghĩa của tổng thống”.

Trong lúc lặng lẽ ở Nhà Trắng và giao tiếp với công chúng chủ yếu qua mạng xã hội, Tổng thống Trump đã cổ vũ những người ủng hộ ông nhiệt thành nhất. Khi nhắc đến cuộc biểu tình của những người phản đối kết quả bầu cử, ông Trump hôm 12/12 đã đăng dòng Tweet nhấn mạnh: “Chà! Hàng nghìn người đang tập hợp tại Washington D.C. để phản đối hành vi đánh cắp bầu cử”.

Nhiều quan chức đảng Cộng hòa trên khắp nước Mỹ, từ những người theo chủ nghĩa tự do, ôn hòa đến những người bảo thủ cực hữu, đang ủng hộ ý muốn của ông Trump và thể hiện lòng trung thành bằng cách phản đối tiến trình chuyển giao quyền lực.

Nghị sỹ Earl L. “Buddy” Carter – người đã ký kết vào văn bản ủng hộ vụ kiện của bang Texas đệ trình lên Tòa án Tối cao cho biết, các cử tri đang yêu cầu hành động. “Mọi người đang thất vọng, đặc biệt là các cử tri Cộng hòa. Họ đang nổi giận. Thành thật mà nói, tôi cũng không thích những gì mà tôi đang được nghe về cuộc bầu cử”.

Chỉ trích những tiếng nói đối lập

Những nỗ lực nói trên khó làm thay đổi thực tế là ông Trump sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2021 khi hết nhiệm kỳ. Tuy vậy, số lượng các thành viên đảng Cộng hòa sẵn sàng đứng về phía Tổng thống dù ông bị thất cử đã cho thấy tầm ảnh hưởng khá lớn của ông đối với một đảng phái mà ông đã tiếp quản và ghi đậm dấu ấn cá nhân trong 4 năm qua.

Kể từ cuộc bầu cử đến nay, nhóm pháp lý của đội ngũ ông Trump đã phải chịu hơn 50 thất bại tại các Tòa án liên bang và Tòa án cấp tiểu bang, trong đó có cả thất bại trong vụ kiện của bang Texas mà ông coi là “vụ kiện lớn” và là cơ hội tốt nhất để lật ngược kết quả bầu cử. Dẫu vậy, thương hiệu chính trị mà ông gây dựng suốt thời gian nắm quyền vẫn sẽ “ăn sâu bám rễ” trong lòng đảng Cộng hòa sau khi ông mãn nhiệm. Đến thời điểm hiện tại có rất ít người công khai lên tiếng phản đối chủ nghĩa Trump hay việc ông trì hoãn chuyển giao quyền lực.

Một số nhà phân tích cho rằng, khó có tổng thống nào duy trì được sự trung thành vững chắc từ chính đảng của họ như ông Trump. Một cuộc thăm dò của Star Tribune cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng dần đều trong nội bộ đảng Cộng hòa suốt 4 năm qua và vượt mốc 90%.

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã tránh gây mất lòng Tổng thống bằng cách lảng tránh những câu hỏi như tại sao ông không sẵn sàng thừa nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Những người khác cố gắng gạt vấn đề sang một bên và coi quyết tâm của Tổng thống Trump là nỗ lực nhằm duy trì tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Chính sự ủng hộ đó đã khiến ông Trump ngày càng đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý.

“Chúng tôi chỉ mới vừa mới bắt đầu cuộc chiến!!!” , ông Trump đăng dòng Tweet ngày 12/12 sau khi gọi phán quyết của Tòa án Tối cao là “một sự sai lầm đáng xấu hổ”.

Trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết ngày 11/12, ông Trump đã được tiếp thêm sinh lực bởi sự liên kết mạnh mẽ trong đảng Cộng hòa ủng hộ vụ kiện của tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton nhằm đảo ngược kết quả bầu cử ở Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Georgia. Riêng số thành viên ủng hộ tại Hạ viện đã lên đến 126 người.

Ông Trump đã ăn trưa cùng với tổng chưởng lý một số bang vào ngày 10/11 và bày tỏ công khai rằng ông đang theo dõi xem những nghị sỹ nào sẽ đứng về phía mình. Ông cũng đăng tải những dòng Tweet hối thúc các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các thẩm phán của Tòa án Tối cao hãy thể hiện “lòng dũng cảm và sự khôn ngoan” bằng cách đấu tranh để đảo ngược kết quả bầu cử.

Tất nhiên, vẫn có những thành viên không ủng hộ nỗ lực này. Heather Cox Richardson, giáo viên lịch sử tại trường Đại học Boston nhận xét, một số thành viên đảng Cộng hòa đã nhận ra rằng cuộc đấu tranh pháp lý của ông Trump sớm muộn sẽ thất bại và Tòa án Tối cao sẽ không đưa vụ kiện ra xét xử, vì thế họ không muốn ủng hộ vì biết rằng kết quả sẽ chẳng đi đến đâu.

Nhiều thành viên Cộng hòa đi ngược lại với quan điểm của ông Trump, tuyên bố cuộc bầu cử diễn ra một cách tự do và công bằng đã đối mặt với làn sóng chỉ trích ngay trong chính đảng của họ. Hôm 12/12, ông Trump đã công kích Thống đốc Brian Kemp của bang Georgia và Thống đốc Doug Ducey của bang Arizona, đồng thời kêu gọi các cử tri không bỏ phiếu bầu cho họ.

Tại Georgia, nơi diễn ra hai cuộc đua quan trọng nhằm quyết định đảng nào sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện, các quan chức địa phương vẫn đứng về phía Tổng thống Trump ngay cả khi ông Brian Kemp nhiều lần tuyên bố không có hiện tượng gian lận bầu cử tại bang này.

Tổng thốngTrump đã thành công?

Hiện tại, quá trình chuyển giao quyền lực vẫn đang được xúc tiến và ông Biden dự kiến sẽ có lễ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Ngày 14/12 (theo giờ Mỹ), các đại cử tri sẽ nhóm họp để bầu tổng thống, dựa trên kết quả kiểm phiếu bầu phổ thông ở mỗi bang. Trước đó, một số quan chức của đảng Cộng hòa đã cam kết họ sẽ nêu ý kiến phản đối tại Quốc hội vào tháng 1/2021 để thách thức lá phiếu của đại cử tri, tuy vậy, động thái này đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Một số thành viên của đảng Cộng hòa cho biết, họ cảm thấy cần phải song hành cùng với Tổng thống Trump trong việc đảo ngược kết quả bầu cử, một phần vì các cử tri của họ tin rằng đã xảy ra tình trạng gian lận bầu cử trên diện rộng.

Kết quả cuộc thăm dò của trường Đại học Quinnipiac công bố hôm 10/12 cho thấy 77% thành viên của đảng Cộng hòa tin rằng có gian lận trên diện rộng và 70% nghĩ chiến thắng của Biden là không hợp pháp. Cuộc thăm dò này được thực hiện sau khi hơn 40 vụ kiện liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử bị bác bỏ hoặc rút lại do thiếu bằng chứng.

Sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa đối với Tổng thống Trump từ lâu đã được các cố vấn trong đội ngũ của ông coi là một phần quan trọng trong chiến lược tranh cử. Ngay cả khi cuộc bầu cử kết thúc, nhiều nhân vật trong đội ngũ của ông Trump vẫn ca ngợi sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Ông Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tổng thống Trump cho rằng ông đã nợ tất cả người dân Mỹ, những người đã bầu cho ông và cả những người không bầu cho ông, trong việc đảm bảo cuộc bầu cử công bằng và an toàn. Ông có quyền theo đuổi tất cả các con đường hợp pháp nhằm đảm bảo tất cả phiều bầu hợp pháp đều được tính và mọi phiếu bầu bất hợp pháp đều bị loại”.

Một số nhà phê bình cho rằng, việc đảng Cộng hòa sẵn sàng sát cánh với nỗ lực chưa từng có của tổng thống nhằm đảo ngược kết quả bầu cử cho thấy các di sản của ông Trump sẽ tiếp tục được duy trì. Dù là nhân vật nhiều lần chỉ trích ông Trump, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney tại bang Utah vẫn phải thừa nhận: “Ông Trump là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất và có tầm ảnh hưởng lớn đối với đảng Cộng hòa. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người bỏ phiếu cho ông Trump đều muốn đảm bảo các nguyên tắc và chính sách của ông ấy được tiếp tục. Ảnh hưởng của ông ấy sẽ không biến mất”.

HỒNG ANH/VOV

/ong-biden-uu-tien-chan-chinh-quan-he-thuong-mai-voi-trung-quoc.html